Chấm dứt ngay 5 thói quen ăn uống này nếu không muốn bị ung thư thực quản

Thế Anh

(Dân trí) - Ung thư thực quản thường không có bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào trong giai đoạn đầu. Vì thế, nhiều người vẫn cứ ngỡ mình khỏe mạnh mà không hề biết đang mang mầm bệnh trong người.

Ung thư thực quản có tỉ lệ mắc đứng thứ 9 trong các bệnh ung thư phổ biến trên thế giới, đứng thứ 3 trong ung thư đường tiêu hóa.

Ung thư thực quản là gì?

Thực quản là một ống tiêu hoá chứa thức ăn và các chất lỏng đi từ họng xuống dạ dày. Ung thư xuất phát từ thực quản bao gồm hai loại chính là ung thư biểu mô vảy và ung thư biểu mô tuyến tùy thuộc vào loại tế bào ung thư.

Chấm dứt ngay 5 thói quen ăn uống này nếu không muốn bị ung thư thực quản - 1

Ung thư thực quản được chia làm 4 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Tế bào ung thư nằm ở lớp trên cùng của thành thực quản

- Giai đoạn 2: Lúc này, tế bào ung thư đã xâm lấn đến tổ chức bạch huyết lân cận, tuy nhiên chưa ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể.

- Giai đoạn 3: Trong vùng cạnh thực quản, tế bào ung thư đã xâm lấn tổ chức và bạch huyết, ảnh hưởng đến lớp sâu hơn của thành thực quản.

- Giai đoạn 4: Tế bào ung thư đã xâm lấn đến các bộ phận khác của cơ thể như gan, phổi, não, xương.

Triệu chứng

Ung thư thực quản thường không có bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào trong giai đoạn đầu, khi ung thư ở thực quản và chưa lan sang các cơ quan hoặc hạch bạch huyết khác. Chính vì thế, nhiều người vẫn cứ ngỡ mình khỏe mạnh mà không hề biết đang mang mầm bệnh trong người.

Chấm dứt ngay 5 thói quen ăn uống này nếu không muốn bị ung thư thực quản - 2

Đến giai đoạn sau, các triệu chứng của ung thư thực quản bao gồm:

- Khó nuốt

- Ợ nóng hoặc khó tiêu mãn tính

- Thường xuyên bị nghẹt thở trong khi ăn

- Đau ngực, cảm thấy nóng rát cổ họng

- Giảm cân không rõ nguyên nhân

- Ho hoặc khàn tiếng

- Buồn nôn và nôn

- Ho ra máu

- Khó thở, tức ngực nếu ung thư di căn phổi; vàng da, vàng mắt, ngứa da nếu ung thư di căn gan; đau đầu, suy giảm trí nhớ… nếu ung thư di căn não…

Đối tượng có nguy cơ mắc ung thư thực quản

Theo thống kê của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, nam giới có nguy cơ bị ung thư thực quản cao gấp 3 lần nữ giới và chỉ có dưới 15% các trường hợp được tìm thấy ở những người dưới 55 tuổi. 

Chấm dứt ngay 5 thói quen ăn uống này nếu không muốn bị ung thư thực quản - 3

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc ung thư thực quản chỉ gặp ở nam giới lớn tuổi. Bệnh có thể gặp ở bất cứ độ tuổi nào. Đặc biệt, những người dưới đây cũng có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn người bình thường:

- Hút thuốc lá, nghiện rượu, ăn thực phẩm nóng: Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người hút thuốc và nghiện rượu có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao gấp 44 lần so với những người không sử dụng.

- Ăn thực phẩm chứa quá nhiều Nitrat: Việc sử dụng các thực phẩm chứa quá nhiều Nitrat sẽ tạo ra Nitrosamine trong dạ dày, gây ra các khối u dạ dày hoặc ung thư thực quản. Những loại thực phẩm hạn chế sử dụng bao gồm xúc xích, thịt xông khói, giăm bông.

- Ăn thực phẩm chứa lượng protein động vật quá cao

- Ăn thực phẩm bị mốc: Ngay cả khi đã cắt bỏ đi phần thực phẩm bị mốc, nó vẫn có thể gây hại cho cơ thể của bạn.

- Ăn không đủ rau và trái cây

Phòng ngừa ung thư thực quản

- Nên ăn những thực phẩm giàu chất xơ, carotenoid, folate và vitamin C để ngăn ngừa ung thư thực quản. 

- Bổ sung lipid, dầu oliu vào các món ăn sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc ung thư thực quản.  

- Các loại ngũ cốc nguyên hạt giúp giảm nguy cơ ung thư thực quản vì chứa nhiều vi chất dinh dưỡng.

- Ăn cá, thịt trắng giúp giảm nguy cơ ung thư thực quản biểu mô tế bào vảy, trong khi thịt đỏ và thịt chế biến làm tăng nguy cơ ở cả 2 dạng ung thư thực quản.

Điều trị ung thư thực quản như thế nào?

Khi được chẩn đoán mắc ung thư thực quản, phẫu thuật, hóa trị và xạ trị là những phương pháp sẽ được sử dụng để điều trị.

Phẫu thuật là phương pháp điều trị ung thư thực quản phổ biến nhất, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của bệnh khi mà khối u đang còn khá nhỏ. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ cắt bỏ phần thực quản mà khối u xuất hiện, cũng như các mô khỏe mạnh nằm liền kề bên trên và bên dưới.

Chấm dứt ngay 5 thói quen ăn uống này nếu không muốn bị ung thư thực quản - 4

Trong một vài trường hợp, các bác sĩ cũng sẽ cắt bỏ một phần của dạ dày. Cuối cùng, phần thực quản và dạ dày khỏe mạnh còn lại sẽ được nối liền với nhau. Thông thường, một số hạch bạch huyết ở vùng lân cận khối u cũng sẽ được lấy ra để kiểm tra xem các tế bào ung thư đã xâm lấn sang hay chưa.

Trong trường hợp khối u đã có kích thước lớn hoặc nhằm làm teo khối u trước khi phẫu thuật cắt bỏ, phương pháp hóa trị sẽ được sử dụng.Với phương pháp này, các loại thuốc sẽ khiến ung thư ngừng xâm lấn, bằng cách làm chậm hoặc ngừng sự phát triển của các tế bào ung thư.

Xạ trị thường được sử dụng để bổ trợ cho phương pháp hóa hóa trị. Với phương pháp này, các tia phóng xạ sẽ phá hủy vật chất di truyền của tế bào ung thư, từ đó tiêu diệt tế bào ung thư.