Cha hiến một phần gan, cứu con 1 tuổi đang cận kề cửa tử
(Dân trí) - Mắc bệnh lý teo đường mật bẩm sinh, mới 13 tháng tuổi bé trai đã bị suy gan nặng đe dọa tính mạng. Trước nguy cơ mất con, người cha quyết định hiến một phần gan của mình, tình mẫu tử bước đầu giành phần thắng khi cuộc phẫu thuật cắt ghép diễn ra thuận lợi.
Ngày 4/10, các bác sĩ tại bệnh viện Nhi Đồng 2 đã phối hợp với những chuyên gia đến từ bệnh viện Saint Luc thuộc Vương quốc Bỉ, thực hiện cuộc phẫu thuật cắt gan từ người cho là anh Nguyễn Thành H (38 tuổi, ngụ tại TPHCM) và tiến hành ghép sang người nhận là bé trai Nguyễn Võ Trí H. (13 tháng tuổi, con ruột của người hiến).
Được biết, bệnh nhi là con thứ 3 của vợ chồng anh Thành H. Từ khi mới chào đời, cháu đã gặp bất thường về sức khỏe. Tại bệnh viện Nhi Đồng 1, trẻ được các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán bị bệnh lý “teo đường mật bẩm sinh”. Khi hơn 7 tuần tuổi, bệnh nhi được phẫu thuật nối rốn gan chung – hỗng tràng (mổ Kasai) và điều trị nội khoa tích cực.
Tuy nhiên, việc phẫu thuật trên chỉ là giải pháp tạm thời, khi được 5 tháng tuổi, qua theo dõi, bác sĩ xác định bệnh nhi bị xơ gan. Sau khi chuyển sang điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 2, tình trạng suy gan của cháu diễn tiến ngày càng xấu, nếu kéo dài thêm, sự sống của bệnh nhi có thể sẽ sớm kết thúc.
Giải pháp duy nhất còn lại là thực hiện cuộc phẫu thuật ghép gan để kéo dài sự sống cho cháu.
Sau nhiều lần hội chẩn, ngày 4/10 ê kíp phẫu thuật gồm 40 bác sĩ đã bắt tay vào cuộc phẫu thuật.
Theo giáo sư Trần Đông A, cố vấn chuyên môn cho cuộc ghép, người tiên phong thực hiện kỹ thuật ghép tạng tại Việt Nam, bé Trí H. là ca thứ 10 và là 1 trong 2 bệnh nhi nhỏ tuổi nhất buộc phải thực hiện kỹ thuật ghép gan tại Nhi Đồng 2.
Lý giải cho tình trạng chỉ có 10 bệnh nhi được cấy ghép trong 10 năm qua, đại diện bệnh viện cho biết, đó là do mỗi ca ghép cũng tốn khoảng 500 triệu đồng; sau ghép, còn phải tốn thêm khoảng 1 tỉ đồng cho điều trị chăm sóc tích cực - đây là khoản tiền trên là quá lớn so với mức thu nhập trung bình của người Việt Nam.
Phân tích của GS Đông A chỉ ra: Ghép gan ở trẻ em dưới 2 tuổi từ người cho sống là kỹ thuật khó nhất trong tất cả các kỹ thuật ghép tạng. Quá trình gây mê hồi sức, khâu nối các mạch máu ở bệnh nhi càng nhỏ tuổi càng khó khăn, phức tạp.
Sau 10 tiếng khẩn trương, các bác sĩ thực hiện cắt thành công 230g gan từ người cha, đồng thời hoàn tất công đoạn ghép vào cơ thể thay thế gan đã bị xơ hóa của cháu bé.
Tối 4/10 cả 2 bố con bệnh nhân đã được đưa ra phòng hồi sức trong tình trạng các chỉ số sinh hiệu ổn định.
Dự kiến, sau cuộc ghép bệnh nhi sẽ được điều trị nội khoa tích cực để chống nhiễm trùng và nguy cơ thải ghép. Các bác sĩ kỳ vọng nếu gan ghép thích ứng và phát triển tốt, sau khoảng 3 tháng bé Trí H. sẽ có được lá gan như người bình thường.
Vân Sơn