1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chả cá độc hại: Bên xử, bên không

Sở Y tế tỉnh Phú Yên yêu cầu đình chỉ hoạt động 26 cơ sở chế biến chả cá nhưng Sở NN&PTNT lại không đồng tình, dù biết sản phẩm này có chất độc hại.

Ngày 15/10, hai sở NN&PTNT, Y tế vẫn chưa thống nhất cơ quan nào chịu trách nhiệm công bố tên các cơ sở chế biến chả cá ở chợ TP Tuy Hòa có chứa chất độc hại. Hai sở cũng chưa đưa ra hướng xử lý các cơ sở chế biến chả cá vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại chợ này.

 

100% cơ sở chế biến chả cá đều vi phạm

 

Theo ông Nguyễn Duyên, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản, thủy sản (Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên), kết quả kiểm tra mới đây của đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh này đã phát hiện tất cả 26 cơ sở chế biến chả cá tại chợ Tuy Hòa đều vi phạm nghiêm trọng về điều kiện VSATTP.

 

Khi đánh giá chung về khu vực chế biến chả cá ở chợ Tuy Hòa, trong 21 chỉ tiêu có sáu chỉ tiêu thuộc lỗi nghiêm trọng, còn lại thuộc lỗi nặng. Kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản Vùng 4 trên bảy mẫu chả cá lấy tại chợ Tuy Hòa đã phát hiện năm mẫu có chứa dư lượng chloramphenicol với hàm lượng 0,1-1,24 μg/kg, cả bảy mẫu đều chứa dư lượng urê với hàm lượng 15-47,6mg/kg.

 

Người dân vẫn vô tư chế biến chả cá tại chợ Tuy Hòa. Ảnh: Tấn Lộc

Người dân vẫn vô tư chế biến chả cá tại chợ Tuy Hòa. Ảnh: Tấn Lộc

 

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP tỉnh Phú Yên, các hóa chất trên đều bị cấm sử dụng trong bảo quản, chế biến thực phẩm vì có tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng. Trong đó, chất chloramphenicol là một loại kháng sinh, khi sử dụng sẽ gây ức chế hệ thống tủy xương, suy giảm bạch cầu, tiểu cầu, hồng cầu, làm thiếu máu, kích thích hệ thống tiêu hóa, gây kháng thuốc kháng sinh ở các loại vi khuẩn...

 

“Chất chloramphenicol có trong các mẫu chả cá là do các cơ sở chế biến dùng loại kháng sinh này để ngâm cá diệt khuẩn, giữ cá lâu hư. Còn dư lượng urê trong các mẫu chả cá hiện chưa xác định từ đâu, có thể do người đánh bắt dùng phân urê để ủ cá nhưng cũng không loại trừ do người làm chả cá ủ vào”, ông Tâm cho hay. Còn ông Nguyễn Duyên cho rằng trong quá trình phân hủy, cá nguyên liệu có thể tự sản sinh ra urê nhưng không thể đạt đến hàm lượng 15-47,6mg/kg. Tuy nhiên, theo ông Tâm, hiện chưa có tài liệu nào nói cá ươn sinh ra urê.

 

Trước mắt chỉ cảnh cáo, tuyên truyền

 

Từ kết quả kiểm tra trên, UBND tỉnh Phú Yên đã có văn bản yêu cầu các sở NN&PTNT, Y tế phối hợp với các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, thông tin kết quả kiểm nghiệm các sản phẩm, thực phẩm thủy sản không đảm bảo VSATTP, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.

 

Ông Nguyễn Văn Tâm cho biết: “Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh cho đình chỉ hoạt động 26 cơ sở chế biến chả cá tại chợ Tuy Hòa càng sớm càng tốt vì nếu để tình trạng này có thể xảy ra ngộ độc thực phẩm bất cứ lúc nào. Chúng tôi khuyến cáo không chế biến cá ở chợ mà đưa về các cơ sở đảm bảo điều kiện VSATTP”.

 

Thế nhưng trong văn bản báo cáo UBND tỉnh, Sở NN&PTNT - cơ quan chủ trì đoàn kiểm tra và có thẩm quyền xử lý đối với sản phẩm thủy sản - chỉ kiến nghị chung chung về tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền mà không đề xuất hướng xử lý cụ thể. Là cơ quan chủ trì lấy mẫu, gửi mẫu kiểm nghiệm nhưng Sở NN&PTNT lại kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế công bố kết quả kiểm nghiệm trên phương tiện thông tin đại chúng và các cơ sở vi phạm. Ông Nguyễn Văn Tâm cho biết chiều 15/10, Sở Y tế đã có văn bản gửi Sở NN&PTNT không chấp nhận đề xuất này.

 

Ông Duyên giải thích: “Chúng tôi biết là quá nguy hiểm, biết là không an toàn đến sức khỏe cộng đồng nhưng không thể chấm dứt hoạt động ngay vì ảnh hưởng đến cuộc sống mưu sinh của nhiều người. Trước mắt chỉ có thể cảnh báo, tuyên truyền chứ sao đình chỉ người ta được! Chúng tôi sẽ làm việc cụ thể với các cơ sở vi phạm để truy xuất nguồn gốc chất cấm, tìm ra người vi phạm rồi xử lý. Tất cả sản phẩm chả cá ở chợ Tuy Hòa đều không có nhãn mác nên người tiêu dùng không biết sản phẩm nào vi phạm để tránh sử dụng nên có lẽ cần khuyên người dân không nên ăn chả cá ở chợ!”. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tâm khẳng định: “Chúng tôi vẫn bảo lưu đề xuất đình chỉ hoạt động tất cả cơ sở chế biến chả cá ở chợ Tuy Hòa vì một nguyên tắc cơ bản là không đủ điều kiện thì không thể hoạt động”.

 

Theo một cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản, thủy sản tỉnh Phú Yên, trong trường hợp này có thể xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở chế biến chả cá có mẫu kiểm nghiệm chứa chất độc hại theo Nghị định 91 ngày 8/11/2012 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Các cơ sở này đã có hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có chứa chất độc hại hoặc sử dụng phụ gia là chất độc hại để sản xuất, chế biến thực phẩm, có mức phạt 20-40 triệu đồng. Mặt khác, kết quả kiểm nghiệm các mẫu chả cá đã phát hiện hóa chất độc hại nên đã vi phạm quy định về sử dụng hóa chất trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Hành vi này có mức xử phạt cao hơn. Điều 7 của Nghị định 91/2012/NĐ-CP cũng quy định hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, tất cả cơ sở chế biến chả cá ở chợ TP Tuy Hòa đều không có giấy chứng nhận này.

 

Theo Tấn Lộc

PLTPHCM