CDC Hà Nội: Hầu hết F0 trong đợt mới đều có triệu chứng
(Dân trí) - Theo CDC Hà Nội, việc thành phố tiếp tục ghi nhận thêm các ca dương tính SARS-CoV-2 rải rác trong cộng đồng là kịch bản đã được nhận định từ trước.
Tính từ ngày 5/7 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 104 ca dương tính SARS-CoV-2 mới. Các bệnh nhân thuộc chùm ca bệnh tại KCN Thăng Long, Đông Anh (Liên quan đến Bắc Giang); chùm ca bệnh tại Mỹ Đức; chùm ca bệnh liên quan TPHCM và mới đây phát sinh thêm chùm ca bệnh tại Trung tâm Nghiên cứu thiết kế Cơ khí thuộc Viện Cơ khí năng lượng và mỏ - Vinacomin (Liên quan đến Bắc Ninh) và một nhân viên ngân hàng sống tại Chung cư Sunshine, Mai Động chưa xác định được nguồn lây.
Trao đổi với Dân trí, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội cho biết, việc Hà Nội ghi nhận thêm các ca bệnh trong cộng đồng là vấn đề đã được nhận định từ trước.
"Chúng tôi vẫn xác định sẽ có những trường hợp F0 rải rác trong cộng đồng, bởi lượng người đi từ vùng dịch về là tương đối lớn", ông Tuấn nói.
Liên quan đến Khu công nghiệp Thăng Long, theo ông Tuấn, nguyên nhân chủ yếu khiến ổ dịch này tiếp tục phát sinh ca nhiễm mới là mật độ công nhân làm việc cùng với ca F0 lớn, liên tục trong nhiều ngày, các công nhân làm việc trong môi trường kín, điều hòa trung tâm nên khả năng lây lan mạnh. Tuy nhiên, các trường hợp dương tính mới đều là F1 đã được cách ly cùng nhau ngay tại công ty trong khu công nghiệp.
Cũng theo lãnh đạo CDC Hà Nội, hiện các chùm ca bệnh trên địa bàn như tại KCN Thăng Long, chùm ca bệnh tại Mỹ Đức, chùm ca bệnh liên quan TPHCM và kể cả chùm ca bệnh tại Trung tâm Nghiên cứu thiết kế Cơ khí thuộc Viện Cơ khí năng lượng và mỏ đều xác định được nguồn lây. Các trường có liên quan cơ bản được khoanh vùng.
Riêng chỉ có ca dương tính là nhân viên ngân hàng vừa ghi nhận hiện chưa xác định được mối liên quan với các chùm ca bệnh cũ và lực lượng chức năng đang khẩn trương điều tra nguồn lây của ca bệnh này.
Một điểm đáng chú ý khác, theo ông Tuấn, hầu hết các ca bệnh trong đợt này đều có xuất hiện triệu chứng, ví dụ như ho, sốt.
"Chính vì vậy, chúng tôi rất mong muốn những người dân từng đi ra khỏi thành phố, không nhất thiết là phải vào vùng dịch, khi có triệu chứng nghi ngờ nên liên hệ ngay với các cơ sở y tế hoặc đường dây nóng phòng chống dịch Covid-19, để được hướng dẫn kịp thời", ông Tuấn nhấn mạnh.
Từ 6h sáng 14/7, 22 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ lớn, đường ngang, ngõ tắt… "bao quanh" Hà Nội đã bắt đầu hoạt động, kiểm soát chặt phương tiện, người dân vào thành phố nhằm ngăn chặn Covid-19.
Theo ông Tuấn, việc thiết lập các chốt kiểm soát dịch ở cửa ngõ Hà Nội đã giúp kiểm soát chặt các nguồn lây Covid-19 vào Hà Nội, từ đó giảm thiểu nguy cơ cho Thủ đô.
Để chủ động chống dịch, Hà Nội cũng đang tiến hành xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho 10.000 đối tượng có nguy cơ cao, bao gồm:
- Công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh cư trú trên địa bàn các quận, huyện: Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.
- Người làm dịch vụ vận tải, lái xe/phụ xe đường dài, nhân viên bán vé, người làm việc thường xuyên tại một số bến xe lớn của thành phố hoặc lái tàu, nhân viên phục vụ, kiểm soát trên tàu hoặc nhà ga.
- Tiểu thương, người thường xuyên làm việc tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh trên địa bàn các quận, huyện, thị xã.
- Người làm dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp tại các công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang gấp rút chuẩn bị nguồn lực cho chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên toàn địa bàn. 1.200 dây chuyền tiêm, 100 tổ cấp cứu dự kiến sẽ phục vụ chiến dịch này.