“Cậy” sức khoẻ, nhiều sinh viên chê thẻ BHYT

(Dân trí) - Tuổi trẻ đúng thực “bẻ gãy sừng trâu” nhưng không ốm thì thôi, chứ nếu phải đi viện thì còn tốn kém hơn các tuổi khác rất nhiều. Và chỉ đến lúc này, người trong cuộc mới thấm thía giá trị của thẻ bảo hiểm y tế.

  
Tuổi trẻ đúng thực “bẻ gãy sừng trâu” nhưng...
Tuổi trẻ đúng thực “bẻ gãy sừng trâu” nhưng...
 

“Ăn khoẻ, ngủ tốt, thể thao đều… nhưng chỉ sau lần lên cơn sốt, mệt lả đến mức bạn bè phải đưa vào viện Bạch Mai, N.V.C (SV ĐH KHXHNV Hà Nội) mới biết mình bị suy thận độ 3 và phải vào lọc thận tuần 3 buổi với chi phí lên tới 7,5 triệu đồng/tháng. Lúc này, gia đình mới cuống cuồng vừa lo tiền chữa trị cho con, vừa lo đăng kí thẻ BHYT tại trường. Lúc này, gia đình em mới thấy khoản tiền 300.000 mua thẻ, có thể rất lớn đối với gia đình khó khăn nhưng giờ chẳng có ý nghĩa gì…”, một bác sĩ khoa Thận, tiết niệu chia sẻ với phóng viên Dân trí mới đây.

 

May mắn hơn là trường hợp một sinh viên năm thứ 3 bị uốn ván do bật móng chân trong khi đá bóng đã được miễn giảm tới 80% trong tổng chi phí hơn 100 triệu điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TƯ. Trước ngày xuất viện, bệnh nhân này chia sẻ: “Chưa từng nghĩ có lúc mình lại trong tình trạng thập tử nhất sinh nên cũng không mặn mà BHYT. Nhưng đầu năm học vừa rồi, gia đình cho tiền bắt đóng vì có em hàng xóm đang khỏe khoắn, bỗng dưng phát hiện ung thư và phải điều trị vô cùng tốn kém trong thời gian chưa mua được BHYT”.

 

Trên thực tế, có tới gần 30% những trường hợp như sinh viên N.V.C trong khi đây là nhóm đối tượng bắt buộc tham gia BHYT. Nguyên nhân là do “Bản thân học sinh, sinh viên không tự đóng góp tiền được mà là bố mẹ phải trả chi phí này. Số tiền này cũng tăng thêm gánh nặng về tài chính với các gia đình có con học đại học”, ông Phạm Lương Sơn, trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH VN) cho biết.

 

Một rào cản khác là mức đóng BHYT cho nhóm đối tượng này khá cao, khoảng 300 ngàn/năm. “Đây là mức giá khá cao với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trước kia, mức đóng nhóm đối tượng này ở khu vực thành thị cũng chỉ chừng 120 ngàn đồng/năm. Nay không có sự phân biệt mức đóng theo khu vực, giá tiền lại tăng, trong khi đây là nhóm ít có khả năng ốm đau nhất… khiến khá nhiều phụ huynh băn khoăn trong việc mua thẻ BHYT cho con”, ông Sơn nói.

 

Do đó, để số sinh viên, học sinh tham gia BHYT không dừng lại ở con số 70%, Bộ Y tế và BHXH VN đang bàn việc xây dựng quy chế phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo. Ngoài ra, một đề xuất khác cũng đang được tính tới, đó là sửa đổi mức đóng theo phân vùng kinh tế xã hội. khu vực thành thị mức khác, nông thôn khác sẽ tháo gỡ khó khăn cơ bản cho phụ huynh…

 

Hồng Hải