1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội:

Cấy ốc tai điện tử miễn phí cho trẻ điếc bẩm sinh

(Dân trí) - PGS.TS Cao Minh Thành, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng, BV Đại học Y Hà Nội cho biết Bệnh viện sẽ thực hiện mổ cấy 3 bộ ốc tai điện tử trị giá 1,2 tỉ cho những bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt trong đầu năm nay.

3 thiết bị ốc tai điện tử được tài trợ bởi 1 công ty chăm sóc sức nghe đã được chuyển tới BV từ sáng 18/2. BV sẽ thực hiện khám và tư vấn cho tất cả các đối tượng có bất thường về thính lực, những đối tượng trẻ điếc bẩm sinh, đặc biệt ưu tiên bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn (gia đình chính sách, hoàn cảnh kinh tế khó khăn...) để mổ cấy miễn phí 3 thiết bị ốc tai điện tử này.

Theo đó, việc khám và tư vấn sẽ được triển khai trong giờ hành chính từ ngày 19/2 tại phòng 410 Khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội). Ngoài ra, bệnh nhân có thể đăng ký khám tại đây và qua điện thoại: 0462934614.

TS Thành cho biết, trước khi được cấy ghép, bệnh nhi sẽ phải đeo máy trợ thính trong 3 tháng để xem mức độ đáp ứng cũng như thích nghi của việc đeo thiết bị sau khi cấy ốc tai có đạt yêu cầu.

Về độ tuổi, thời điểm tốt nhất để cấy thiết bị này là 12-36 tháng và muộn nhất là đến 6 tuổi nhưng hiệu quả sẽ không cao do giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ đã qua đi.

Buổi lễ trao tặng diễn ra nhanh gọn trong buổi giao ban đầu giờ sáng của bệnh viện ĐH Y Hà Nội
Buổi lễ trao tặng diễn ra nhanh gọn trong buổi giao ban đầu giờ sáng của bệnh viện ĐH Y Hà Nội

Trước đó, BV Đại học Y Hà Nội đã thực hiện trên 70 ca mổ cấy ghép ốc tai điện tử với tỉ lệ thành công 100%. “Những trẻ được cấy ghép từ đầu năm 2010 nay đã đi học lớp 1-2 và hòa nhập cuộc sống bình thường. Tất nhiên, những trẻ cấy lúc 15-16 tháng tuổi sẽ có khả năng phát triển ngôn ngữ tốt hơn nhiều so với trẻ cấy ghép lúc 5-6 tuổi”, PGS.TS Cao Minh Thành cho biết.

Giải thích về con số ít ỏi bệnh nhi được cấy ghép ốc tai điện tử tại bệnh viện và trên cả nước, PGS.TS Thành cho biết có nhiều lý do trong đó chi phí quá cao (350 - 700 triệu/ca) nhưng lại không được bảo hiểm y tế hỗ trợ là trở ngại chính khiến hàng nghìn trẻ điếc sinh ra mỗi năm không được tiếp cận với kỹ thuật mới này.

Trên thực tế, kỹ thuật này tại Ấn Độ được BHYT hỗ trợ 100%, Hàn Quốc là 80%...

Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới, có 5% bị sức nghe kém, tương đương với 360 triệu người. Còn tại Việt Nam, theo 1 khảo sát của của tổng cục Dân số, riêng năm 2013 đã có 5.000 trẻ nghe kém trên 1,2 triệu trẻ chào đời.

Trần Phương

tranthuphuong@dantri.com.vn