Cấy ốc tai điện tử: Hy vọng cho những bệnh nhân “vô phương cứu chữa”

(Dân trí) - Bị khiếm thính bẩm sinh, có nhiều biện pháp như tập luyện, đeo máy trợ thính… nhưng với những trẻ khiếm thính quá nặng thì cấy điện cực ốc tai là biện pháp cuối cùng mang lại cơ hội nghe nói được cho người bệnh.

Cấy ốc tai điện tử: Hy vọng cho những bệnh nhân “vô phương cứu chữa” - 1
Sau gần một ngày phẫu thuật, bé Linh đã tỉnh táo và đang rất mong mỏi bình phục để học nghe, học nói. (Ảnh: H.Hải)

Thương lắm con không nghe, không nói...

Chiều qua (22/7) và sáng nay (23/7), năm ca phẫu thuật cấy điện cực ốc tai cho hai trẻ bị khiếm thính bẩm sinh, mất toàn bộ khả năng âm thanh và ngôn ngữ đã được các bác sĩ khoa Tai mũi họng - Răng hàm mặt (BV Nhi TƯ) phối hợp với chuyên gia nước ngoài thực hiện thành công. Đây là năm ca cấy điện cực ốc tai lần đầu tiên được thực hiện tại bệnh viện Nhi TƯ và đều được cấy một bên tai.

Trong đó, 2 bệnh nhi đáng lưu ý nhất là cháu P.D.L (6 tuổi ở Hà Đông, Hà Nội) và cháu N.T.Đ. (19 tháng tuổi ở Gia Lâm, Hà Nội) đều bị khiếm thính bẩm sinh và được phát hiện không có khả năng nghe khi mới được 11 tháng tuổi. Các cháu cũng đã được gia đình chữa trị nhiều nơi, bằng nhiều phương pháp như luyện tập, đeo máy trợ thính nhưng không hiệu quả vì độ điếc quá nặng. Do không nghe được nên cả hai bé đều không nói được, chỉ có âm môi.

Chị Đào Ngọc Diệp, mẹ bé L cho biết: “Dù được bố mẹ cho học trường dành riêng cho trẻ khiếm thính để có thể biểu đạt ý nghĩ bằng ngôn ngữ cử chỉ, nhưng bé vẫn hay cáu gắt, giận dữ vì việc không thể hiện hết được những suy nghĩ của mình. Bố mẹ rất thương và đau lòng nhưng không biết làm sao.Vì thế, khi biết cháu có thể phẫu thuật để nghe thấy tiếng, học nói thì cả gia đình đều quyết tâm. Dù chi phí khoảng 500 triệu cho ca phẫu thuật cấy một bên ốc tai nhưng mình mong lắm một ngày nghe thấy tiếng con gọi mẹ ơi...”, chị Diệp nói.

Tại bệnh viện Tai mũi họng TP Hồ chí Minh đã có 76 trường hợp được cấy điện cực ốc tai trong 10 năm qua và 74 trường hợp đang có hiệu quả rất tốt, không có biến chứng

Chuẩn bị mất 5 năm
 
BS Phùng Thị Hương Loan, trưởng khoa Tai mũi họng - Răng hàm mặt (BV Nhi TƯ) cho biết, cấy điện cực ốc tai là một kỹ thuật được triển khai ở nhiều nước trên thế giới và đây là lần đầu tiên được triển khai ở BV Nhi TƯ. Phương pháp này thường được chỉ định khi các biện pháp điều trị khiếm thính khác không đạt hiệu quả.
 
Độ tuổi tốt nhất để thực hiện phẫu thuật này là từ 12 tháng - 3 tuổi vì đây là giai đoạn phát triển về thần kinh thính giác, ngôn ngữ ở trẻ. Nếu ở độ tuổi càng muộn, việc phát triển ngôn ngữ của các con càng khó khăn, phải rất kiên nhẫn và cần nhiều thời gian. Trên thế giới, trường hợp ít tuổi nhất được cấy điện cực ốc tai là 6 tháng tuổi, tuy nhiên đây là những trường hợp rất hiếm gặp và phải xin phép đối với từng trường hợp cụ thể. 
 
Tuy nhiên, ở Việt Nam do hạn chế về điều kiện để chẩn đoán, nên việc phát hiện, điều trị còn muộn, nên việc phục hồi chức năng sau này cũng chậm trễ hơn so với những trường hợp được thực hiện sớm. Sau khi thực hiện cấy ốc tai điện tử thành công, bệnh nhi còn phải tiếp tục quá trình luyện đeo máy, dạy nói… Đến khi bé nghe nói được, phát triển ngôn ngữ gần như bình thường thì mới khẳng định ca phẫu thuật được thành công.
 
Theo BS Loan, khoa đã phải có thời gian 5 năm chuẩn bị cho 5 ca phẫu thuật này. Không chỉ là máy móc, phương tiện mà phải có chuyên gia thính học chẩn đoán được mức độ điếc và điếc ở vị trí nào (phải đảm bảo ốc tai còn nguyên, dây thần kinh thính giác phải còn), phải có kỹ thuật viên đặt điện cực, kỹ thuật viên hướng dẫn, luyện đeo máy, dạy nói cho các bé.
 
Tuy mang lại hiệu quả tích cực với trẻ khiếm thính, nhưng phương pháp này chỉ định với những cháu điếc sâu (điếc nặng) và sử dụng các biện pháp khác không hiệu quả. Ngoài ra, với những trẻ trước cấy ốc tai điện tử, phải đeo máy trợ thính tối thiểu 3 tháng không có kết quả mới chỉ định và là biện pháp cuối cùng để giúp bé nghe được.

“Về tai biến, cuộc mổ nào cũng có nguy cơ biến chứng như nhiễm trùng, chảy máu. Phẫu thuật cấy ốc tai điện tử bệnh nhân còn có nguy cơ liệt mặt, tuy nhiên cũng là một tai biến hiếm”, BS Loan nói.

Do chi phí phẫu thuật cao, cùng với chi phí của việc điều chỉnh máy, tập luyện, phục hồi chức năng sau này nên các bác sĩ hy vọng sẽ có nhiều sự bàn bạc, hợp tác để hỗ trợ về chi phí, giúp các bệnh nhi khiếm thính nặng có thể nghe thấy âm thanh, để các bé không trở thành những người khuyết tật.
 
Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm