Cậu bé 12 tuổi bị hai con chó giằng xé, vật lộn 20 phút trước khi được phát hiện
(Dân trí) - Sau 4 ngày bị hai con chó nhà hàng xóm tấn công, cậu bé 12 tuổi (Thọ Lộc, Thọ Xuân, Thanh Hoá) vẫn trong tình trạng hoảng loạn. Cậu bé bị lột toàn bộ vùng da đầu, mất hai tai và phải đợi ít nhất 6 tháng nữa mới có thể can thiệp để tái tạo lại tai, che phủ vùng da đầu bị mất.
Ngày 4/5, PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, cậu bé V.T.H đang được chăm sóc đặc biệt sau ca phẫu thuật cấp cứu vì bị mất máu, chấn thương dập nát nghiêm trọng vùng mặt, lột toàn bộ vùng da đầu, mất hai tai do bị hai con chó tấn công.
Chị Hà Thị Minh, mẹ cậu bé cho biết, tai nạn xảy ra khi cậu bé chạy ra ngoài đồng để gọi anh trai về nhà. Khi đi chưa được 200m, hai con chó to của nhà hàng xóm cách đó vài căn nhà đuổi theo con trai chị, lao vào khiến cậu bị bé bị rơi xuống ruộng.
"Khoảng 5 giờ chiều con ra khỏi nhà, thì 5h30 người ta báo con tôi đang được đưa đi viện vì bị chó cắn", chị Minh biết.
"Thằng bé vật lộn với hai con chó to ít nhất 20 phút trước khi được phát hiện. May có vợ chồng người em họ phát hiện, lao vào dùng đất, gạch đập đuổi con chó mới nhả thằng bé ra, chú nó lao vào ôm thì con tôi mới thoát nạn", chị Minh bàng hoàng kể lại.
PGS Hà cho biết, hiện bé đang được theo dõi chặt để có thể kịp thời phát hiện các biến chứng sau khi bị chó cắn. Bởi răng chó vốn sắc nhọn, nhìn bên ngoài vết cắn có thể nhỏ nhưng thực tế có thể cắm vào sâu vào mạch máu lớn. Có những bệnh nhân thậm chí không qua khỏi trước khi đến viện do vết cắn ăn sâu vào mạch máu gây mất máu ồ ạt.
Em bé được theo dõi để phát hiện nguy cơ liệt do vết cắn có thể cắm sâu vào dây thần kinh; cắm sâu thủng thành bụng gây vết thủng ruột. "Nếu có tình huống này, thường sau 5 – 10 ngày dịch chảy mới đủ kích thích gây các phản ứng nguy hiểm cho cơ thể. Nhất là hiện nay bụng em bé đang bị chướng nên càng cần được theo dõi chặt", PGS Hà cho biết.
Ở thời điểm nhập viện, bé trai bị tổn thương dập nát vùng mặt, da đầu, mất toàn bộ 2 tai, mất máu. Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu, cố gắng "vá chằng vá đụp" vùng da đầu bị lóc để phòng nguy cơ nhiễm khuẩn. Còn để can thiệp sau đó, phải đợi đến khi em bé qua được giai đoạn nguy hiểm.
Vùng da bị tổn thương, hai tai của em bé cũng không còn để có thể mang đến bệnh viện cấy ghép. Vì thế, phải đợi ít nhất 6 tháng các bác sĩ mới có thể can thiệp tạo hình tai cho bé.
"Với tình trạng bị lột toàn bộ vùng da đầu, trán, lộ xương sọ nếu không che phủ được xương, sau một thời gian sẽ dẫn đến viêm xương, hoại tử, thối vào trong xương sọ em bé", PGS Hà cho biết.
Vì thế, trong giai đoạn cấp cứu, các bác sĩ đã cố gắng vá víu, che phủ tổn thương đang dập nát do chấn thương, cố gắng cứu cháu sống qua giai đoạn này. Sau khi theo dõi toàn trạng, nếu sau 3 – 6 tháng cháu qua được sẽ có kế hoạch để tái tạo lại toàn bộ da đầu lộ xương sọ với mục tiêu để tóc em bé có thể mọc lại như bình thường, sau đó tạo hình lại hai tai cho bệnh nhi.
"Nhiều khả năng chúng tôi sẽ dùng sụn nhân tạo thẩm mỹ cao để tạo hình vành tai cho trẻ, thay thế cho phương pháp truyền thống dùng sụn sườn để tạo hình vành tai. Với phương pháp mới bệnh nhân chỉ trải qua một lần phẫu thuật, thay vì 2 - 3 lần phẫu thuật, chịu tổn thương đau vùng sườn sụn...", PGS Hà thông tin.
Thống kê từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho hay, từ đầu năm 2019 đến nay có đến 11 ca chó cắn nhập viện trong tình trạng trầm trọng được chuyển vào khoa.
Hồng Hải