Chủ tịch Hội Thận-Tiết niệu Việt Nam:

“Cắt luôn hết thận là trường hợp thứ 3 tôi gặp”

(Dân trí) - Sáng 15/12, cuộc họp của bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ về việc bệnh nhân Tú bị cắt 2 quả thận đang gây xôn xao dư luận. PV Dân trí đã có cuộc trao đổi nhanh với PGS.TS Vũ Lê Chuyên chủ tịch hội Thận-Tiết niệu Việt Nam sau buổi họp.

“Cắt luôn hết thận là trường hợp thứ 3 tôi gặp” - 1


  

Hội đồng chuyên môn tham dự cuộc họp sáng nay gồm: Chủ tịch Hội đồng ông Lê Quang Võ, Giám đốc BV ĐKTP và 4 ủy viên. Cố vấn chuyên môn gồm: PGS-TS Vũ Lê Chuyên, Chủ tịch Hội Thận - Tiết niệu Việt Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân TPHCM; PGS. TS Đàm Văn Cương, Trưởng khoa Y trường Đại học Y dược Cần Thơ; BS CKII Lê Quang Dũng, Trưởng khoa Tiết niệu BVĐKTƯ Cần Thơ.

 

Sau buổi làm việc, PV báo điện tử Dân Trí đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Vũ Lê Chuyên, Chủ tịch hội Thận - Tiết niệu Việt Nam về vấn đề này.

 

Thưa Phó Giáo sư, sau cuộc họp hôm nay, hội đồng chuyên môn đã tìm ra nguyên nhân dẫn đế sự cố?

 

Bệnh nhân vào viện vì thận trái ứ nước rất to, có sỏi gây mất chức năng, chỉ định phẫu thuật bỏ thận trái là đúng. Nguyên nhân dẫn đến sự cố là do lỗi nhận định hình ảnh ban đầu, người đọc phim và cả bác sĩ thực hiện ca mổ đều không biết trước đây là thận hình móng ngựa, vì đây là dị dạng rất hiếm gặp, lại phổ biến ở nam còn ở nữ càng rất ít. Có thể nói, trong vòng 20- 30 năm nay, tại Cần Thơ chưa gặp trường hợp nào. Việc phát hiện và xử lý thận móng ngựa được tốt còn đòi hỏi bác sĩ phải được tích lũy kinh nghiệm nhiều năm.

 

Cũng trong sáng 15/12 bác sĩ Lê Quang Võ, Giám đốc Bệnh viện ĐKTP Cần Thơ cho biết: Ngày 14/12 anh  N.V S, 28 tuổi, ngụ ở ấp Trà Coi, xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng đã tình nguyện đăng ký hiến một quả thận của mình cho chị Hứa Cẩm Tú.

Thận móng ngựa có thể phát hiện qua chẩn đoán hình ảnh không, thưa ông?

 

Có nhiều phương pháp để chẩn đoán thận móng ngựa như siêu âm, CT… tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng dễ nhìn thấy mà qua chẩn đoán hình ảnh có tỷ lệ sai số từ 10 - 15%. Việc đọc ra hình ảnh cũng cần bác sĩ có kinh nghiệm.

 

Vậy Hội đồng đã tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân chưa, thưa Phó Giáo sư?

 

Mục đích của chúng tôi (cũng như của chúng ta) ngày hôm nay là tìm ra giải pháp tốt nhất để điều trị và hồi phục sức khỏe cho bệnh nhân. Hiện tai, bệnh viện đã gửi bệnh phẩm lên TPHCM để tiếp tục nghiên cứu. Việc đúng sai và trách nhiệm của ê kíp mổ đến đâu sẽ được làm rõ sau. Trước mắt vẫn là phải chạy thận định kỳ, sau đó, nếu có nguồn thận phù hợp, chúng tôi sẽ tiến hành ghép thận cho chị Tú. Còn kỹ thuật ghép thận ở Việt Nam hiện nay là rất tốt. Qua đây chúng tôi cũng mong bạn đọc hỗ trợ chị Tú vì nguồn kinh phí của Bệnh viện cũng như của gia đình đều rất hạn chế.

 

Với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành niệu khoa, bác sĩ có gặp trường hợp nào tương tự  không, thưa PGS?

 

Trường hợp bệnh nhân bị thận móng ngựa thì gặp khá nhiều, tuy nhiên phải cắt luôn hết thận đây là trường hợp thứ 3 tôi gặp. Trường hợp đầu tiên vào khoảng năm 1983, trường hợp thứ 2 cách đây 10 năm. Chuyện cắt hết thận của người bị thận móng ngựa hoàn toàn có thể xảy ra.

 

Xin cảm ơn PGS!

 

Phạm Tâm (ghi)