Cắt bao quy đầu ở tiệm xăm, cẩn thận "họa mi" có thể ngừng hót

Hoàng Lam

(Dân trí) - Một video cắt bao quy đầu ở tiệm xăm được viral rầm rộ trên TikTok khiến bác sĩ sửng sốt về độ liều của "bệnh nhân" và độ lỳ của thợ xăm.

Chỉ trong một thời gian ngắn, clip cắt bao quy đầu của một thợ xăm được viral rầm rộ (phổ biến nhanh chóng, được biết đến bằng cách xuất hiện trên Internet hay gửi từ người này sang người kia) trên TikTok và các mạng xã hội khác.

Trong clip một nam thanh niên nằm trên giường giống như tiệm phun xăm, được một cô gái nắm tay động viên. Theo hình ảnh và nội dung cuộc trò chuyện trong clip, thợ xăm đang làm phẫu thuật cắt bao quy đầu cho nam thanh niên nói trên.

Cắt bao quy đầu ở tiệm xăm, cẩn thận họa mi có thể ngừng hót - 1

Quảng cáo dịch vụ cắt bao quy đầu tại một cơ sở xăm hình (Ảnh chụp màn hình).

Điều đáng nói, "bệnh nhân" vẫn mặc nguyên quần áo bình thường, người thực hiện ca phẫu thuật cũng mặc bộ quần áo như đang chuẩn bị đi dạo, đội mũ, tay mang đồng hồ và mang găng không phải loại vô khuẩn dùng trong phẫu thuật. Trong phòng còn hai người khác đang ngồi trên ghế trò chuyện.

Đây chỉ là một trong nhiều clip cắt bao quy đầu mà người thực hiện là thợ xăm hình. Trên Tiktok và cả Facebook không thiếu clip hay giới thiệu về dịch vụ cắt bao quy đầu với "cam kết" không đau, không sưng, không chảy máu, chỉ mất một phút, giá bình dân...

Bác sĩ Hoàng Cảnh Tùng - Bệnh viện đa khoa 115 Nghệ An cho biết, bản thân ông sốc trước sự liều và lỳ của các nhân vật trong các clip thợ xăm kiêm bác sĩ kia.

Cắt bao quy đầu ở tiệm xăm, cẩn thận họa mi có thể ngừng hót - 2

Bác sĩ Hoàng Cảnh Tùng: Một lần sơ sẩy, "họa mi" có thể ngừng tiếng hót nên các quý ông đừng mạo hiểm giao phó cho thợ xăm cắt bao quy đầu (Ảnh: H.L).

"Có thể thấy trong các clip này, cuộc phẫu thuật không được thực hiện trong phòng mổ vô trùng, trang thiết bị không đảm bảo (không có trang phục, găng tay vô khuẩn, mũ, khẩu trang, dụng cụ thực hiện phẫu thuật…). Môi trường không đảm bảo là một nguy cơ tiềm tàng cho nhiễm khuẩn.

Bên cạnh đó, có trường hợp sau cắt bao quy đầu không cầm máu được phải khâu xử lý cầm máu, nếu người không có chuyên môn thực hiện sẽ gây ra nhiều nguy cơ đối với người bệnh", bác sĩ Tùng nói.

Bản thân bác sĩ Tùng cũng từng xử lý một vài trường hợp phù nề, nhiễm trùng và chậm lành vết thương… sau khi cắt bao quy đầu. Các bệnh nhân này thừa nhận do ngại nên đã đến các cơ sở phun xăm để cắt bao quy đầu theo giới thiệu của bạn bè, cá biệt có trường hợp tự cắt.

Một số trường hợp xơ hẹp, dính nhiều có thể không đặt được máy cắt, thậm chí có những trường hợp để lâu có nguy cơ ung thư dương vật, do vậy cần phải được thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để có thể phát hiện, cũng như có những chẩn đoán chính xác trước khi đưa ra phương án điều trị thích hợp.

"Cắt da quy đầu không phải là một thủ thuật khó nhưng để thực hiện đúng kỹ thuật, đẹp và hạn chế biến chứng cũng như những nguy cơ tai biến, cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa và tại cơ sở y tế đảm bảo về vô trùng cũng như trang thiết bị. Một lần sơ sẩy, "họa mi" có thể ngừng tiếng hót nên các quý ông đừng mạo hiểm giao phó cho thợ xăm cắt bao quy đầu", bác sĩ Tùng khuyến cáo.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm