1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

“Cặp song sinh dính nhau rất phức tạp”

(Dân trí) - Cặp song sinh dính nhau tại bệnh viện Nhi TƯ đã có kết quả thăm dò ban đầu, cho thấy hai bé dính nhau rất phức tạp. Do bị dính toàn bộ phần ngực đến tầng sinh môn, nên hai bé luôn trong tư thế ôm chặt nhau, bé nọ nằm đè lên bé kia.

Chiều 9/5, bác sĩ Đặng Ánh Dương, Phó Trưởng Khoa Hồi sức ngoại Bệnh viện Nhi TƯ cho biết, cặp song sinh dính nhau đang được theo dõi đặc biệt tại khoa Hồi sức ngoại.

Hai bệnh nhi này đã được gia đình đặt tên là Đàm Thị Thư A và Đàm Thị Thư B. Hai bé nặng 4,7kg, hiện phải nhịn ăn hoàn toàn chỉ nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch vì cả hai bé không có hậu môn (chỉ có vết tích hậu môn) và chỉ chung nhau một cơ quan bài tiết ở giữa.
 
“Cặp song sinh dính nhau rất phức tạp”
Hai bé song sinh hiện vẫn đang tự thở, các chỉ số sống ở giới hạn bình thường. Ảnh: H.Hải
 
Ngay sau khi được chuyển đến bệnh viện Nhi TƯ, cặp song sinh này đã được tiến hành làm các xét nghiệm, chiếu chụp để thăm dò, như siêu âm tim để xem cấu trúc tim như thế nào. Chụp CT, cộng hưởng từ xem các cơ quan nội tạng khác có chung nhau không, xem có đủ hai tim, hai gan, hai lách, dạ dày ra sao, phổi như thế nào… “Về mặt hình thể, hai bé chung nhau rất lớn. Dính nhau toàn bộ lồng ngực đến tầng sinh môn, toàn bộ phần thân chung nhau. Hai bé dính toàn bộ vùng thân nên luôn nằm ở tư thế ôm nhau, bé nọ nằm đè lên bé kia”, BS Dương cho biết.
 
“Cặp song sinh dính nhau rất phức tạp”
 
“Cặp song sinh dính nhau rất phức tạp”
Tuy nhiên hai bé dính nhau rất phức tạp, dính toàn bộ phần ngực đến tầng sinh môn. Hai bé luôn phải ở tư thế bé nọ nằm đè lên bé kia. Ảnh: H.Hải

Còn đến chiều nay, một số xét nghiệm, chiếu chụp đã có kết quả ban đầu. Kết quả siêu âm tim của bé Thư B không có dị tật bẩm sinh nặng, chỉ còn một ống động mạch. Còn Thư A thì do cấu trúc tim khuất nên thăm dò khó hơn, thấy tim có hai buồng thất chưa xác định được tương quan như thế nào.

Ngoài ra, đã xác định hai bé phần ngực bụng dính vào nhau, chung một ổ bụng, có hai cột sống riêng biệt, hai tim, lách riêng biệt còn gan dính liền nhau. Bệnh nhân A có hình hai quả thận cạnh cột sống, đài bể thận giãn. Bệnh nhân B có hình ảnh thận cạnh cột sống, hai bàng quang to dính nhau…

“Tuy nhiên các thông tin ban đầu từ chiếu chụp này vẫn chưa thể khẳng định hết tình trạng của các bé. Nhiều khả năng chúng tôi sẽ tiến hành chụp mạch, cho hai bệnh nhi sang bệnh viện Bạch Mai chụp CT 64 dãy để có kết quả chính xác nhất. Khi có toàn bộ các kết quả thăm dò cuối cùng chúng tôi mới có thể quyết định có can thiệp tách rời hai cháu bé hay không”, BS Dương nói.

BS Dương cũng nhận định ca song sinh dính nhau này rất khó khăn vì hai bé dính quá nhiều. Hiện tại, trong thời gian chờ đợi các kết quả thăm dò, hai bé được chăm sóc tại khoa Hồi sức ngoại, nuôi dưỡng, giữ ấm, chống nhiễm trùng cho các cháu.

“Không can thiệp được thì hai bé cũng sẽ tử vong mà can thiệp tách rời chắc chắn cũng rất khó khăn vì kết quả sơ bộ thấy bé chung một gan. Nếu chỉ gan không có thể tách đôi, nhưng còn phụ thuộc vào hệ thống khác như ruột, thành bụng, có gì để che phủ phần được tách rời không? Che phủ bằng plastic cũng được tính đến nhưng không lâu dài”, BS Dương lo lắng nói.

Hai bé song sinh sinh ngày 6/5 bằng phương pháp sinh mổ tại BV Đa khoa Hà Giang. Mẹ bé là chị Hoàng Thị Thạch (21 tuổi ở Bắc Mê, Hà Giang).

Khi sinh ra, hai bé nặng 4,7kg, khóc to và tự thở được. Đến nay, sau 3 ngày sinh ra, hai bé vẫn tự thở. Tuy nhiên, vùng dạ dày các bé đang phình to, căng trướng nên nguy cơ đẩy cơ hoành lên cao, gây khó thở cho các bé là rất lớn. BS Dương cho biết, nếu hai bé suy hô hấp phải thở máy rất khó khăn cho chúng tôi, vì hai cháu nằm đối diện với nhau, luôn trong tư thế ôm nhau, can thiệp vô cùng khó khăn.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm