1. Dòng sự kiện:
  2. Dịch cúm đầu năm 2025

Cấp cứu người lớn, trẻ nhỏ chấn thương nghiêm trọng vì... ngã ghế

Biên Thùy

(Dân trí) - Sau tai nạn ngã ghế, các bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu với những chấn thương nghiêm trọng khác nhau.

Không thể nhấc tay sau khi ngã ghế

Cách đây một tháng, ông T.V.Đ. (64 tuổi, ngụ tỉnh Long An) không may té ngã từ ghế cao, khiến vai trái va đập mạnh xuống đất. Sau tai nạn, ông bị đau dữ dội vùng vai. Bệnh nhân đến một phòng khám gần nhà kiểm tra nhưng không phát hiện gãy xương, nên chỉ được kê đơn thuốc giảm đau và cho về nhà.

Tuy nhiên theo thời gian, tình trạng đau nhức của bệnh nhân ngày càng nghiêm trọng hơn. Thậm chí, ông Đ. không thể nhấc tay trái lên được, còn các hoạt động thường ngày như chải đầu, gãi lưng, cầm nắm đồ vật… đều gặp khó khăn, nên đến bệnh viện cầu cứu.

Tại khoa Chấn thương chỉnh hình, ông được các bác sĩ thăm khám và đánh giá chi tiết. Kết quả chụp cộng hưởng từ khớp vai (MRI) cho thấy, ông Đ. bị viêm, rách hoàn toàn gân trên gai, gân dưới vai, rách sụn viền trước trên và rách bán phần gân nhị đầu cánh tay.

Cấp cứu người lớn, trẻ nhỏ chấn thương nghiêm trọng vì... ngã ghế - 1

Người đàn ông gặp chấn thương nghiêm trọng sau khi ngã ghế (Ảnh: BV).

Bác sĩ Trần Quang Nhật, khoa Chấn thương chỉnh hình, cho biết vì bệnh nhân bị rách đồng thời 2 trong số 4 gân chóp xoay thường bị tổn thương, nên đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng khớp vai.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật nội soi phục hồi sụn viền và gân cơ chóp xoay vai trái cho ông. Phương pháp này mang lại nhiều ưu điểm vượt trội, như ít xâm lấn và ít mất máu, giúp người bệnh giảm đau, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng, thời gian phục hồi nhanh chóng.

Toàn bộ ca phẫu thuật được thực hiện dưới hệ thống máy nội soi hiện đại, giúp bác sĩ quan sát rõ vị trí tổn thương, từ đó đảm bảo các thao tác được thực hiện một cách nhanh chóng và chính xác.

Sau thời gian ngắn điều trị, người đàn ông đã có thể cử động tay trái nhẹ nhàng, cơn đau thuyên giảm rõ rệt. Hiện tại, các bác sĩ tiếp tục theo dõi và hướng dẫn vật lý trị liệu để đạt được sự phục hồi tốt nhất.

Cấp cứu người lớn, trẻ nhỏ chấn thương nghiêm trọng vì... ngã ghế - 2

Bệnh nhân được phẫu thuật nội soi xử lý vết thương (Ảnh: BV).

Bác sĩ Nhật chia sẻ, dấu hiệu đặc trưng của tổn thương gân cơ khớp vai là cơn đau xuất hiện ở mặt ngoài khớp vai, lan xuống cánh tay nhưng không qua khủyu tay. Cơn đau có thể lan lên cổ, khiến người bệnh không thể nằm nghiêng bên vai bị đau.

Tình trạng này còn gây yếu cơ, hạn chế tầm vận động, làm bệnh nhân gặp khó khăn khi giơ tay quá đầu hoặc với ra sau lưng. Do đó, nếu chấn thương vùng vai đau kéo dài mà không cải thiện dù đã dùng thuốc, người dân cần đi khám để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.

Gãy xương kín, cẳng tay biến dạng

Cũng ngã từ ghế cao khi đang chơi, bé K. (3 tuổi) được gia đình đưa vào cấp cứu tại một bệnh viện ở TPHCM trong tình trạng cẳng tay phải biến dạng.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Xuân Trường, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, cho biết kết quả chụp X-quang ghi nhận bệnh nhi bị gãy kín hai xương cẳng tay phải. Tình trạng này khiến bé đau đớn, khóc dữ dội và đau nhiều hơn khi cử động.

"Bệnh nhi cần mổ khẩn cấp để giảm đau. Phương pháp được lựa chọn là phẫu thuật kết hợp xương dưới màn hình tăng sáng vì ít xâm lấn, mang lại hiệu quả cao, phù hợp với bệnh nhi nhỏ tuổi", bác sĩ Trường cho biết.

Cấp cứu người lớn, trẻ nhỏ chấn thương nghiêm trọng vì... ngã ghế - 3

Phim chụp X-quang tình trạng cẳng tay phải của bệnh nhi trước (trái) và sau phẫu thuật (Ảnh: BV).

Hậu phẫu một tuần, các can xương (xương mềm mới tạo thành xung quanh chỗ gãy đang lành) của trẻ đã mọc ra. Bệnh nhi có thể sớm tập phục hồi chức năng và trở lại sinh hoạt bình thường.

Trẻ cũng được nẹp bột trong 1 tuần để giảm đau và bất động, cố định vùng xương bị gãy, sau đó sẽ chuyển sang nẹp vải. Bệnh nhi có thể khôi phục sinh hoạt gần như bình thường, không còn đau, không giới hạn vận động sau 3 tuần.

Các bác sĩ khuyến cáo, trẻ em là một trong những đối tượng dễ gặp chấn thương do té ngã, trong đó có gãy xương.

Vì vậy, phụ huynh cần lưu ý các dấu hiệu bất thường, cảnh báo gãy xương để kịp thời đưa con em đi khám, như trẻ kêu đau dữ dội (nhất là ở một vị trí cụ thể), đau tăng lên khi cử động; vùng bị tổn thương bầm tím; các bộ phận chân, tay của trẻ bị bẻ cong bất thường hoặc lệch khỏi vị trí ban đầu…