1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TP Huế

Cấp bách vấn đề dự phòng - điều trị ung thư cổ tử cung

(Dân trí) - Ngày 15/4 đã diễn ra Hội thảo quốc tế “Dự phòng và điều trị ung thư cổ tử cung”. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi Festival khoa học Huế “Thành tựu y học với sức khỏe cộng đồng” của trường ĐH Y - Dược Huế.

Đến dự có GS.BS. Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM, GS. Judith K.Wolf, Giáo sư Đại học Texas, Giám đốc chương trình Ung thư phụ khoa của Trung tâm Ung thư Banner MD Anderson, Arizona (Hoa Kỳ), PGS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Bộ môn Phụ sản trường ĐH Y Dược Huế, Giảng viên quốc gia về Dự phòng ung thư cổ tử cung… cùng trên 150 BS chuyên ngành ung bướu, sản phụ khoa tại miền Trung - Tây Nguyên.

Hội thảo nhằm cung cấp các kiến thức, kỹ năng cập nhật trong lĩnh vực Dự phòng - điều trị ung thư cổ tử cung. Giúp cộng đồng và các nhà khoa học chuyên ngành tiếp cận một cách toàn diện hơn với chủ đề rất được quan tâm này thông qua các báo cáo tổng quan, báo cáo nghiên cứu và phần thảo luận.

Hội thảo quốc tế “Dự phòng và điều trị ung thư cổ tử cung” tại trường ĐH Y - Dược Huế
Hội thảo quốc tế “Dự phòng và điều trị ung thư cổ tử cung” tại trường ĐH Y - Dược Huế

Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ung thư đứng hàng thứ hai trong số các ung thư của phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và sau mãn kinh. Năm 2012, ở Việt Nam đã có gần 6.200 phụ nữ được chẩn đoán mắc mới ung thư cổ tử cung và đã có trên 2.400 phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung, gấp 5-6 lần so với số tử cung bà mẹ liên quan đến thai nghén và sinh đẻ trong cùng thời gian.

Từ năm 1984, các nhà khoa học Đức đã khẳng định mối liên quan giữa nhiễm vi rút gây u nhú ở người - Human Papilloma Virus (HPV) - và sự hình thành tổn thương tiền ung thư và sau đó là ung thư thật sự tại cổ tử cung.

Tất cả phụ nữ sau khi có quan hệ tình dục đều có khả năng nhiễm HPV. Trong một số rất ít các trường hợp nhiễm HPV các tuýp nguy cơ cao, đặc biệt là 2 tuýp HPV 16 và HPV 18, nhiễm trùng tồn tại qua nhiều năm làm biến đổi cổ tử cung, hình thành tổn thương tiền ung thư và trung bình sau 10-20 năm có thể tiến triển thành ung thư thật sự.

Mục đích của công tác dự phòng và điều trị bao gồm phát hiện sớm các trường hợp ung thư xâm lấn để điều trị có hiệu quả cao hơn, và quan trọng hơn cả là dự phòng lây nhiễm HPV, chủ yếu thông qua sử dụng vắc-xin ngừa nhiễm HPV, đồng thời tiến hành sàng lọc định kỳ mỗi 2-3 năm cho các phụ nữ từ 21 tuổi trở lên và đã có quan hệ tình dục.

Hội thảo quốc tế “Dự phòng và điều trị ung thư cổ tử cung” tại trường ĐH Y - Dược Huế
GS.BS. Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết nhiều kiến thức thú vị, dễ hiểu về ung thư cổ tử cung ở phụ nữ

Theo GS.BS. Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, các yếu tố nguy cơ ung thư cổ tử cung gồm có nhiều con, có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục sớm, mắc bệnh lây lan tình dục, hệ miễn dịch yếu (HIV, AIDS), hút thuốc… Phụ nữ trên 30 tuổi đã có vài con hoặc nhiều con nên bắt đầu biết lo ung thư cổ tử cung. Đây là loại ung thư phụ khoa thường gặp nhưng đã giảm nhiều. Nhưng biết phòng ngừa, biết sớm thì điều trị tốt.

Khi phụ nữ bị xuất huyết âm đạo bất thường hay vợ chồng quan hệ rồi thấy có vài giọt máu, hoặc chỉ vài vết nhớt đỏ dính quần lót thì nên đi khám. Đây là dấu hiệu liên quan đến ung thư cổ tử cung. Phương pháp chữa bệnh có thể là cắt tử cung tận gốc (gồm lấy tử cung, một phần âm đạo và lấy các hạch vùng chậu giúp trị khỏi ung thư ở thời kỳ; bác sĩ nên cân nhắc có cắt 2 phần phụ là ống dẫn trứng và buồng trứng hay không), xạ trị ngoài (bệnh ở các giai đoạn sớm I và II cho kết quả điều trị tốt, khoảng 80-90% khỏi bệnh).

Nếu bệnh ở giai đoạn tiền ung thư (giai đoạn 0) có thể điều trị tốt 100% bằng cách khoét chóp cổ tử cung (vẫn còn sinh đẻ được) hoặc cắt tử cung khi không cần sinh con nữa. Việc thăm khám phụ khoa định kỳ cho phụ nữ bình thường trên 30 tuổi với việc thử tế bào âm đạo (xét nghiệm PAP). Chính việc rà tìm phát hiện ung thư thật sớm khi chưa có triệu chứng kết quả điều trị rất tốt khoảng 90%.

Hội thảo quốc tế “Dự phòng và điều trị ung thư cổ tử cung” tại trường ĐH Y - Dược Huế

Việc tiêm vắc-xin ngừa HPV cho bé gái và khám phụ khoa - xét nghiệp PAP cho phụ nữ là điều rất cần thiết để giảm ung thư cổ tử cung

“Ngoài ra, việc ngừa ung thư cổ tử cung được khi đã biết vi rút HPV là thủ phạm gây ung thư, chúng ta có 2 loại vắc-xin Gardasil và Cervarix dùng cho bé gái và phụ nữ khoảng 9-25 tuổi. Khi dùng sẽ có hiệu quả ngừa HPV 16-18, phòng tránh được 70% ung thư. Đặc biệt có hiệu quả nhất nếu dùng cho các thiếu nữ trước khi bắt đầu có quan hệ tình dục trong đời. Tuy nhiên, dẫu có tiêm vắc-xin đủ liều cũng phải khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm PAP”, GS Hùng nhấn mạnh.

Đại Dương