1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cao Bằng: Ô nhiễm nước do phân gia súc

(Dân trí) - Tại thôn Lũng Thích, xã Mai Long, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng có 17 hộ gia đình dân tộc Dao đỏ. Tất cả đều sống trên núi cao, điều kiện kinh tế khó khăn và đặc biệt là không có nước để dùng.

Theo kết quả khảo sát của đoàn kiểm tra thuộc hội chữ thập đỏ của Việt Nam, cả 17 hộ gia đình nói trên đều có điều kiện kinh tế văn hóa và lối sống tương tự nhau. Cụ thể là họ đều lợp nhà bằng tấm lợp xi măng; chứa nước bằng giếng đất đào, không có nắp đậy.

 

Họ lấy nước mưa từ mái nhà được lợp bằng các tấm lợp xi măng. Có ai dám chắc liệu những tấm lợp này không có chứa chất amiăng amphibole nâu và xanh độc hại?

 

Họ phải lấy từ nước bề mặt chảy từ trên núi xuống, nơi có rất nhiều phân trâu bò, lợn gà thải ra. Nguồn nước của họ đang dùng còn bị ô nhiễm bởi phân gia súc gia cầm được thải xuống sườn núi, rồi chảy xuống giếng đất của những nhà bên dưới. Thậm chí họ cũng không có nhà vệ sinh cũng như nhà tắm! Nếu muốn lấy nước, họ phải đi rất xa vào mùa khô.

 

Tại tỉnh Bắc Giang, tình trạng thiếu nước và nguồn nước ô nhiễm đã khiến người dân ở đây mắc bệnh. Tại xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, hiện nay có tới 79% chị em trong độ tuổi sinh đẻ mắc bệnh phụ khoa, 67% trẻ em mắc bệnh giun sán và 40% mắc bệnh ngoài da và giun sán. Tại xã này, có tới 35% trên tổng số hơn 1000 hộ là phải đi xin nhờ nước ở chỗ khác để dùng, 24% số hộ có nguồn nước bị ô nhiễm.

 

Còn ở thôn Minh Quang, xã Long Đống, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn có 47 hộ gia đình nghèo còn thường xuyên phải đi xa cách nhà 3km để lấy nước về dùng, nơi có nguồn nước từ núi xuống. Hay như ở xã Mộ Đạo, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh còn có rất nhiều hộ gia đình thiếu nước sạch và chưa có hố xí hợp vệ sinh.

 

Theo kết quả điều tra của hội chữ thập đỏ Việt nam, phần lớn các gia đình nông thôn thường sử dụng các nguồn nước sau: 10% số hộ dùng nước mưa (thường là để uống), 50% số hộ dùng nước giếng đào (chiếm 50% số hộ), 25% số hộ dùng nước sông và số còn lại là dùng nước ao, hồ không được xử lý. Ước tính chỉ có khoảng 10% số hộ được cung cấp nước có tiêu chuẩn nước sạch quốc gia.

 

Trước thực trạng thiếu nước sạch và mất vệ sinh môi trường vẫn còn trầm trọng như trên, Hội chữ thập đỏ Việt Nam đã triển khai Dự án "Nâng cao năng lực tỉnh Hội và chăm sóc sức khỏe cộng đồng". Đây là dự án do hội Chữ thập đỏ Đức tài trợ với kinh phí khoảng 1 triệu USD được thực hiện trong thời gian hơn 4 năm, bắt đầu từ năm 2007.

 

Những tỉnh được lựa chọn để tham gia dự án bao gồm: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, nơi đang được coi là điểm nóng về tình trạng thiếu nước và ô nhiễm môi trường. Hi vọng rằng, dự án này sẽ góp phần cải thiện tình hình của những người dân nơi đây, cũng như góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về nước sạch và vệ sinh nông thôn, đồng thời hỗ trợ người nghèo có cơ hội sử dụng nước sạch.

 

Lan Hương