Quảng Trị:
Cảnh sống khốn cùng của nam thanh niên bị nhốt trong cũi gỗ
(Dân trí) - Mắc bệnh tâm thần và phải chịu đựng cuộc sống lầm lũi trong chiếc cũi gỗ rộng chừng 3m2, Ken luôn khát khao được ra ngoài. Nhưng khi được đưa ra khỏi cũi, bệnh của Ken tái phát nên không còn cách nào khác, người em trai lại đưa anh vào cũi rồi nhốt lại...
Cuộc sống của cậu thanh niên Hồ Văn Ken (SN 1985, trú tại thôn Ra Man 2, xã Xy, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) cứ kéo dài như vậy hơn 1 năm qua. Cha, mẹ mất đã lâu, gia đình lại nghèo nên anh em của Ken cũng không mấy quan tâm đến bệnh tật của em mình.
Trong khi bệnh của cậu thanh niên cứ ngày một nặng thêm. Các cơ quan chức năng tại địa phương cũng đưa ra nhiều giải pháp tư vấn, hỗ trợ gia đình trong việc chữa bệnh, song do gia đình thiếu sự phối hợp nên các đợt điều trị đều rơi vào bế tắc.
Hơn 1 năm sống lầm lũi trong chiếc cũi chật hẹp
Câu chuyện về chàng thanh niên bị nhốt trong cũi gỗ rồi cũng dần ít được người dân địa phương nhắc đến. Tuy nhiên, khi kể về Ken, ai cũng cảm thấy tiếc nuối và xót xa cho anh. Từ một thanh niên chăm học, ngoan ngoãn, bỗng nhiên anh bị mắc bệnh tâm thần rồi phải chịu đựng cuộc sống khổ sở trong chiếc cũi do người thân dựng nên cạnh nhà.
Hơn một năm qua, Ken sống lầm lũi trong khoảng không gian chật hẹp
Người thân của Ken là anh Hồ Ka Lô kể lại: “Khi còn đi học ở dưới tỉnh, Ken rất biết nghe lời, khi về nhà cũng sống hòa đồng với người trong bản. Thế nhưng, năm Ken học lên lớp 8 thì đột nhiên phát bệnh rồi thường xuyên ra bên ngoài la lối, thậm chí cầm dao, rựa chặt bừa cây cối, súc vật. Lo sợ anh bị bệnh rồi làm bị thương người khác nên cha, mẹ đành đưa anh về Bệnh viện đa khoa tỉnh điều trị. Về đấy được chừng một tháng, gia đình lại đưa anh về nhà”.
Để điều trị cho Ken, Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa cùng với Trạm y tế xã Xy thường xuyên đến tận nhà để khám và cấp thuốc cho Ken uống. Thế nhưng, gia đình Ken tỏ ra chẳng mấy quan tâm đến bệnh tật của anh nên cứ bàng quan và để vậy. Thuốc men cơ sở y tế địa phương cấp cho cũng không uống, trong khi bệnh tình cứ ngày một nặng thêm.
Người dân bản Ra Man cho biết, khi chưa mắc bệnh, mỗi lần về nhà là Ken lại lần sang các nhà khác trong bản để chơi. Những lúc ấy hay nghe Ken kể về chuyện học hành rồi hay chơi với thanh niên cùng lứa trong bản, Ken sống rất hòa đồng với mọi người. Trước khi gia đình biết bệnh, mọi người thường thấy Ken có biểu hiện nói nhiều, thậm chí cáu gắt, né tránh người khác.
Được một thời gian, cả cha, mẹ Ken đều lâm bệnh rồi mất, người em trai của Ken phải đảm nhận việc chăm sóc anh trai. Nhưng do bận bịu công việc trên nương, rẫy nên đầu năm 2014, anh Hồ Ka Lô bàn với anh trai đầu làm một cái cũi gỗ cạnh nhà để đưa Ken vào trong vì lo sợ anh ra ngoài sẽ phá phách, quấy nhiễu bà con, hoặc lại trốn vào rừng.
Từ ngày bị nhốt trong chiếc cũi rộng chừng 3m2, mọi sinh hoạt ăn uống, vệ sinh, ngủ nghỉ của Ken cũng chỉ giới hạn trong khoảng không gian chật hẹp này. Hôm chúng tôi đến, Ken chỉ ngồi im trong cũi, chẳng nói năng gì. Thỉnh thoảng anh đưa ánh mắt vô hồn nhìn ra bên ngoài. Người em trai Hồ Ka Lô cho biết, anh Ken ăn uống bình thường, ít khi la hét, cũng chẳng nói chuyện với ai, nhưng khi ra khỏi cũi thì đi lung tung. Dù thương Ken nhưng các anh em không còn cách nào khác.
“Hy vọng sớm đưa Ken hòa nhập”
Không hiểu do điều kiện kinh tế eo hẹp, không có điều kiện chăm sóc, điều trị hoặc do một lý do nào khác mà người thân của Ken cũng bỏ mặc cho bệnh tình của Ken như vậy. Mặc dù, đã không ít lần, cán bộ y tế địa phương đã vận động, thuyết phục gia đình điều trị cho Ken với hy vọng đưa anh sớm trở lại trạng thái bình thường để hòa nhập cộng đồng nhưng rồi mọi biện pháp cũng rơi vào bế tắc với lý do người thân của Ken không chịu hợp tác để chữa bệnh cho anh.
Trạm trưởng Trạm y tế xã Xy, ông Cù Giặc Hiền, cho biết: “Gần đây nhất, Khoa Tâm thần của Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Quảng Trị phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa, Trạm Y tế xã Xy, Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) cùng đại diện thôn Ra Man đã đến thăm và thuyết phục người thân điều trị cho Ken. Trong thời gian một tháng, gia đình Ken được hỗ trợ, hướng dẫn tận tình cách cho Ken uống thuốc, điều trị… Sau một thời gian ngắn, Ken đã có rất nhiều tiến triển”.
Thấy sức khỏe bệnh nhân tiến triển theo chiều hướng tốt, cuối tháng 8/2015, mọi người đã đưa Ken ra khỏi cũi gỗ sinh sống. Nhưng chỉ 2 ngày sau, Ken phát bệnh nên đã bị người nhà nhốt lại. Anh Hồ Ka Lô cho hay, do bận đi làm nên ở nhà không ai chăm Ken, thế là người bệnh đi khắp bản, rồi trốn vào trong rừng sẽ rất khó tìm.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, cán bộ MCVN cho biết, qua thăm khám, các bác sĩ khẳng định bệnh tình của Ken không đến nỗi nặng, có thể điều trị để anh sớm hòa nhập với cộng đồng. “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Trạm y tế xã Xy và chính quyền để hỗ trợ, tìm biện pháp khác nhằm đưa người bệnh ra khỏi nơi nuôi nhốt. Trở ngại lớn nhất là gia đình của bệnh nhân không cùng phối hợp”, bà Lan chia sẻ.
Trước mắt, để duy trì trạng thái ổn định cho Ken, Trạm y tế xã Xy hằng ngày vẫn cung cấp thuốc và giám sát quá trình cho bệnh nhân uống thuốc.
Ông Hồ Văn Lâng, Chủ tịch UBND xã Xy cho biết, trước khi chưa bị bệnh tâm thần, Ken được cha, mẹ cho đi học ở trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện. Tuy nhiên, sau đó phát bệnh nên Ken phải ở nhà điều trị. Hiện Ken đang sống với em trai của mình, cứ mỗi lần lên cơn, Ken thường phá phách, gây gổ với mọi người. Chính vì thế, hơn một năm qua, em trai phải nhốt Ken trong chuồng gỗ vì không thể theo dõi được thường xuyên.
Đăng Đức