Cảnh giác với ung thư nếu xuất hiện những dấu hiệu này khi tiểu tiện

Minh Nhật

(Dân trí) - Năm 2018, Việt Nam phát hiện 3.959 ca mắc mới, nhưng có tới 1.873 ca tử vong do ung thư tuyến tiền liệt.

Cũng như tất cả các loại ung thư khác, sự sinh sản của những tế bào bị đột biến gen nhiều lần được xem như là nguyên nhân gây ra ung thư tuyến tiền liệt. Sự sinh sản này xảy ra liên tục và không ngừng do các tế bào đột biến không còn chịu sự kiểm soát của cơ thể. Vì thế, bệnh luôn có khuynh hướng lan rộng tại chỗ cũng như lan sang các cơ quan khác (di căn). 

Cảnh giác với ung thư nếu xuất hiện những dấu hiệu này khi tiểu tiện - 1

Phần lớn người bệnh khám và phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn, do ung thư tuyến tiền liệt cũng có những triệu chứng tương tự nhiều bệnh lý lành tính, điển hình như tăng sản tuyến tiền liệt lành tính.

Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh có tiên lượng tốt nếu được phát hiện và điều trị sớm, tỷ lệ sống sau 5 năm có thể đạt 100%. Chính vì thế, người bệnh cần đi khám ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, để được điều trị kịp thời, hiệu quả.

Triệu chứng cảnh báo ung thư tuyến tiền liệt

Thay đổi thói quen tiểu tiện

Tuyến tiền liệt nằm ngay dưới bàng quang và niệu đạo. Khi đi tiểu, bàng quang đẩy nước tiểu chứa bên trong đi qua tuyến tiền liệt vào niệu đạo rồi ra ngoài.

Cảnh giác với ung thư nếu xuất hiện những dấu hiệu này khi tiểu tiện - 2

Khi có tuổi, tuyến tiền liệt sẽ to lên – thường gọi là u xơ tuyến tiền liệt, và thường gây ra thay đổi về tiểu tiện. Nhưng một khối u phát triển trong tuyến tiền liệt cũng có thể gây ra vấn đề tương tự.

Những vấn đề về tiểu tiện bao gồm dòng nước tiểu chậm, tăng số lần đi tiểu, mót tiểu hơn, và cảm giác bàng quang không hết hoàn toàn, nghĩa là bạn sẽ cảm thấy muốn đi tiểu ngay sau khi vừa mới đi.

Có máu trong tinh dịch hoặc nước tiểu

Nhìn thấy máu khi đi tiểu hoặc khi xuất tinh là không bình thường. Do đó, bất cứ khi nào xảy ra tình trạng này, nam giới cần đến cơ sở y tế để thăm khám. Đây có thể là triệu chứng của tình trạng nhiễm trùng hoặc viêm, nhưng không loại trừ khả năng có khối u ở tuyến tiền liệt.

Đau và cứng vùng thắt lưng

Nếu ung thư tuyến tiền liệt lan ra ngoài tuyến, nó thường ảnh hưởng đến các mô và xương gần đó, bao gồm vùng thắt lưng và cột sống. Nó có thể đè lên các dây thần kinh tủy sống, gây đau hoặc tê, và gây cứng cơ, tùy thuộc vào vị trí của tế bào ung thư.

Cảnh giác với ung thư nếu xuất hiện những dấu hiệu này khi tiểu tiện - 3

Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân sẽ biểu hiện đau xương, gãy xương bệnh lý nếu ung thư đã di căn xương hoặc các hội chứng về thần kinh do u di căn đốt sống gây chèn ép tuỷ sống: yếu liệt hai chi dưới, liệt nửa người... Muộn hơn có thể di căn não, phổi, gan, dạ dày, tuyến thượng thận, xuất huyết tiêu hóa.

Điều trị ung thư tuyến tiền liệt như thế nào?

Có nhiều phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Tùy thuộc vào từng giai đoạn mà bác sĩ lựa chọn, kết hợp các phương pháp khác nhau nhằm tối ưu hóa hiệu quả điều trị. 

Bệnh nhân thường sẽ được cắt bỏ toàn bộ tuyến tiền liệt, hai túi tinh và có thể nạo hạch vùng chậu hai bên. Phương pháp này áp dụng nhằm điều trị triệt để ung thư khi còn khu trú trong tuyến tiền liệt.

 Ngoài ra, người bệnh có thể điều trị nội tiết. Ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư nhạy với nội tiết tố nam nên nếu bằng cách nào đó cắt nguồn cung cấp nội tiết nam thì khối u sẽ ngừng phát triển.

Khoa học đã ứng dụng đặc tính này trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng cách cắt hai tinh hoàn của bệnh nhân hay dùng các loại thuốc có tác dụng ức chế, làm giảm nồng độ nội tiết nam, ngang bằng với phương pháp cắt hai tinh hoàn nhằm cắt nguồn cung cấp nội tiết tố nam.

Xạ trị, hóa trị cũng có thể được chỉ định trong một số trường hợp. Hóa trị chủ yếu là điều trị khi ung thư không còn nhạy với điều trị nội tiết. Trong y khoa gọi là giai đoạn kháng cắt tinh hoàn.

Lưu ý khi tầm soát ung thư tuyến tiền liệt

Các chuyên gia khuyến cáo, bắt đầu ở tuổi 50 nam giới nên được tầm soát ung thư tuyến tiền liệt. Những người có cha hoặc anh trai bị ung thư tuyến tiền liệt trước 65 tuổi, nên được tầm soát từ 45 tuổi.

Khi nhiều thành viên trong gia đình chẩn đoán ung tuyến tiền liệt trước tuổi 65 thì trường hợp này được xếp vào nhóm nguy cơ cao hơn, nên được tầm soát ung thư bắt đầu từ tuổi 40.