Cảnh giác với dấu hiệu rối loạn tiêu hóa kéo dài

Tú Anh

(Dân trí) - Nhiều người khi có các triệu chứng đau quặn bụng, đi ngoài nhiều lần trong ngày... nhưng chủ quan nghĩ viêm đại tràng mãn tính. Thực tế, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư.

TS.BS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K, cho biết, ung thư đại trực tràng rất phổ biến. Năm 2018 Việt Nam ghi nhận gần 15.000 ca, trong đó có gần 9.300 ca tử vong.

Căn bệnh này nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống sau 5 năm lên tới trên 90%. Tuy nhiên có tới 70-80% bệnh nhân ung thư đại trực tràng ở nước ta được phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, chủ yếu là giai đoạn 3-4 nên điều trị gặp nhiều hạn chế.

Theo TS Bình, việc phát hiện sớm dấu hiệu ung thư rất quan trọng. Ở giai đoạn sớm, dù các dấu hiệu không điển hình nhưng nếu "lắng nghe cơ thể", không chủ quan với các dấu hiệu bất thường, hoàn toàn có thể phát hiện sớm nguy cơ căn bệnh này.

Cần lưu ý đi khám khi có các dấu hiệu dưới đây:

Rối loạn tiêu hóa kéo dài:

Đây là dấu hiệu nhiều người ung thư đại trực tràng hay bỏ qua nhất, vì chỉ nghĩ viêm đại tràng mãn tính.

Cảnh giác với dấu hiệu rối loạn tiêu hóa kéo dài - 1

Ban đầu có thể là ợ chua, sau là đau tức vùng bụng, co thắt dạ dày trước hoặc sau khi ăn, đi ngoài nhiều lần trong ngày.

Táo bón:

Nếu bạn đi ngoài ít hơn 3 lần/tuần nên chú ý theo dõi.

Đi ngoài phân nhỏ, phân dẹt:

Đây là một dấu hiệu cần lưu ý, tình trạng đi ngoài phân dẹt kéo dài cần nghĩ đến nguy cơ ruột gặp phải những vật cản như các khối u, polyp to khiến hình dạng và kích thước phân thay đổi.

Đi ngoài ra máu:

Đây là triệu chứng khá phổ biến ở các bệnh nhân ung thư đại trực tràng. Nguyên do khối u trong lòng ruột gây chảy máu. Tuy nhiên, có những bệnh nhân cũng bỏ qua vì nghĩ chảy máu do táo bón, trĩ.

Giảm cân bất thường, mệt mỏi:

Nếu bạn đang không theo đuổi chế độ tập luyện, ăn uống để giảm cân, mà cân nặng lại bị sút bất thường, sút cân nhanh hãy cẩn trọng. Có những bệnh nhân sút 3-5kg trong một tháng, đây là dấu hiệu cảnh báo cơ thể có bất thường, có thể là ung thư.