Cảnh giác trước tình trạng methanol "đội lốt" cồn sát trùng y tế
(Dân trí) - Việc cồn y tế ethanol bị thay ruột thành methanol là một vấn đề rất đáng quan ngại, đặc biệt là khi những sản phẩm giả này được sử dụng cho mục đích y tế
Điểm bất thường từ các ca ngộ độc cồn
Trong 2 ngày 7 và 8/7, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận 2 vợ chồng quốc tịch Kazakhstan bị ngộ độc methanol nặng. Theo thông tin từ cơ sở y tế này, trước đó 2 vợ chồng kể trên cùng 2 người bạn đi câu cá, có mua bia để uống. Do nồng độ cồn trong bia nhẹ, nhóm này mua thêm cồn 90 độ trộn vào bia để làm tăng độ nặng. Sau khi uống, 2 vợ chồng người Kazakhstan nhập viện trong tình trạng nguy kịch, suy hô hấp nặng, mờ mắt.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, các ca ngộ độc vì uống cồn y tế là không hiếm, và chỉ trong năm nay, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận nhiều trường hợp như vậy.
Qua thực tế điều trị, BS Nguyễn Trung Nguyên chỉ ra điểm bất thường ở những ca ngộ độc này: “Vấn đề nằm ở chỗ, những chai cồn mà bệnh nhân đã uống đều dán nhãn cồn y tế (Ethanol) loại 70 độ hoặc 90 độ, nhưng bệnh nhân lại có các bệnh cảnh ngộ độc cồn công nghiệp methanol rất rõ”.
Cụ thể, theo phân tích của chuyên gia này, bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng nồng độ methanol trong máu cao, các dạng tổn thương ở mắt, não rất điển hình. Đặc biệt, khi mang những mẫu cồn này đi xét nghiệm thì kết quả lại chỉ ra rằng, hóa chất trong các chai cồn đều là methanol, không có hoặc có rất ít ethanol (loại hóa chất nhẽ ra phải chiếm đến 70% – 90% thành phần theo nhãn mác).
Hậu quả trước mắt của vấn đề nhức nhối này là những vụ ngộ độc methanol do uống cồn y tế được ghi nhận trong thời gian vừa qua. “Đương nhiên, ngay cả khi thứ trong chai cồn y tế thực sự là ethanol thì cũng không được coi nó như một loại rượu có thể pha loãng ra để uống. Tuy nhiên, việc đánh tráo thành phần sang methanol lại nguy hiểm hơn rất nhiều” – BS Nguyên phân tích.
Theo tìm hiểu, ngộ độc methanol gây ra những tổn thương nặng nề lên nhiều bộ phận trên cơ thể, đặc biệt gây hoại tử não và mù mắt. Vì các trường hợp ngộ độc methanol thường được đưa đến bệnh viện muộn nên tỉ lệ tử vong là rất cao. Thực tế tại Trung tâm Chống độc, tỉ lệ này ở mức trên dưới 30%. Ở các cơ sở y tế tuyến dưới, con số này thậm chí còn lên đến 50%. Các bệnh nhân được cứu sống cũng mang di chứng nặng nề đến hết đời.
Hiểm họa khôn lường nếu các chai cồn giả được sử dụng cho mục đích y tế
“Việc cồn y tế ethanol bị thay ruột thành methanol là một vấn đề rất đáng quan ngại. Gây ngộ độc đe dọa đến tính mạng của những người uống phải chỉ là trường hợp riêng lẻ, vấn đề lớn hơn mà tôi muốn nói đến là khi những sản phẩm giả này được sử dụng cho mục đích y tế” – BS. Nguyên nhấn mạnh.
Cồn công nghiệp methanol chỉ được dùng để làm chất đốt, rửa dụng cụ, máy móc, không hề được công nhận làm chất sát trùng trong y tế. Vì vậy, nếu các sản phẩm này được sử dụng trong các phòng khám, bệnh viện hay dùng để sát trùng tại gia đình thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy đến sức khỏe.
Theo Giám đốc Trung tâm Chống độc, methanol khi dùng trên da có thể bị hấp thu qua da và gây ngộ độc. Nguy hiểm hơn và có thể ảnh hưởng cả hệ thống chăm sóc sức khỏe là việc sử dụng loại cồn công nghiệp này trong các thủ thuật y tế sẽ không đảm bảo sát trùng.
“Rất nhiều kỹ thuật, thủ thuật, phẫu thuật trong ngành y phải dùng đến cồn sát trùng, từ lấy máu, tiêm truyền, can thiệp tim mạch, lọc máu, phẫu thuật ở các mức độ. Nếu bệnh nhân dùng phải loại cồn sát trùng này thì vi trùng không chết, xâm nhập qua vết tiêm truyền, vết chọc, vết mổ và vào máu, vào các nội tạng gây nhiễm trùng. Đối với các ca phẫu thuật, nếu vết mổ không được đảm bảo sát khuẩn có thể dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn sau mổ, nhẹ thì nhiễm khuẩn vết mổ, nặng thì nhiễm khuẩn nội tạng được mổ dẫn tới phẫu thuật thất bại, gây biến chứng nhiễm khuẩn nặng thêm, thời gian nằm viện kéo dài. Thậm chí, còn làm tăng nguy cơ tử vong của bệnh nhân”.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, hiện chúng ta đang phải chống lại đại dịch Covid-19, việc sát trùng tay thường xuyên bằng cồn y tế là thiết yếu. Nếu loại cồn công nghiệp methanol kia len lỏi vào các sản phẩm cồn sát trùng thì dù chúng ta có sát trùng tay thường xuyên cũng không thể đảm bảo diệt virus corona, trong khi đó, như đã đề cập methanol ngấm qua da sẽ dễ gây nhiễm độc nguy hiểm.
Từ thực tế này, BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo người dân, để bảo vệ bản thân và gia đình, trong trường hợp cần mua cồn y tế cần lựa chọn các nhà thuốc uy tín, đảm bảo. Bên cạnh đó, ưu tiên lựa chọn sản phẩm từ những nhà sản xuất có tên tuổi trên thị trường, trước khi mua cần đọc kĩ thông tin trên bao bì sản phẩm. Người dân cũng cần hạn chế uống rượu tối đa. Tuyệt đối không dùng cồn sát trùng để uống, kể cả cồn sát trùng loại chỉ có ethanol.
Minh Nhật