Cảnh giác sốt từng cơn kéo dài sau khi đi phượt rừng núi
(Dân trí) - Có những bệnh nhân sau khi đi rừng, đi du lịch vùng rừng núi về sốt cao từng cơn, điều trị cả tuần không khỏi. Đến khi bác sĩ phát hiện nốt đốt như “không liên quan” trên cơ thể bệnh nhân mới biết đó là căn nguyên gây ra sốt cao kéo dài, có thể gây biến chứng nhiễm trùng huyết, viêm phổi, tăng men gan.
Một nốt đốt, điều trị cả tuần?
Ngày 03/5, bệnh nhân Bùi Văn Sơn (57 tuổi, trú tại xã Hào Phú, Sơn Dương, Tuyên Quang) được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang trong tình trạng sốt cao, đã điều trị tại BV huyện Sơn Dương 7 ngày nhưng không đỡ.
Tại BV Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, BS CKI Nguyễn Văn Hùng, khoa Khám bệnh khi khám cho bệnh nhân Sơn phát hiện một nốt bất thường vùng nách. Kèm với triệu chứng sốt cao từng cơn (39,50C) nhiều ngày không đỡ, bệnh nhân được chẩn đoán sốt mò, được chuyển lên khoa Truyền nhiễm điều trị.
Theo BS Hùng, sốt mò là sốt phát ban truyền nhiễm do vi rút Rickettsia tsuisugamushi (thường gọi là con mò) gây ra. Diễn tiến của bệnh thay đổi từ những thể nhẹ đến những trường hợp nặng, do tổn thương nhiều cơ quan, thậm chí có thể gây tử vong nếu phát hiện và điều trị không kịp thời.
Gặp phổ biến nhưng vẫn dễ bị bỏ qua
BS Nguyễn Trung Cấp, phụ trách khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, tại viện năm nào cũng tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân sốt cao dài ngày, mệt mỏi, vàng da toàn than, thậm chí bị biến chứng nhiễm trùng huyết, viêm phổi… từ những nốt đốt tưởng như vô hại của côn trùng.
Trường hợp như bệnh nhân trên không phải là hiện tượng lạ. Ngược lại, đây là căn bệnh khá phổ biến trong mùa hè, thường gặp nhất tại các vùng quê có nhiều bụi rậm, là nơi sinh sống của các loài côn trùng mò thuộc họ ve. Căn bệnh sốt mò thường gia tăng vào tháng 6 – tháng 7 hàng năm, trùng với thời kỳ nghỉ hè, du lịch của nhiều bạn trẻ và mùa làm nương. Ấu trùng mò có thể bám vào thân cây, ngọn cỏ hoặc ngay trên mặt đất nên dễ dàng đốt người.
Sau khi bị đốt từ 8-12 ngày, bệnh nhân bắt đầu phát bệnh. Bệnh nhân sẽ sốt từng cơn liên tục 38-40 độ C, đau đầu, đau mỏi cơ, mệt mỏi, da và mắt thường xung huyết, có thể có ban đỏ trên da. Nốt đốt ban đầu có thể chỉ phỏng nước bằng hạt đỗ, sau đó vết đốt đóng vảy đen và khi bong vảy tạo thành vết loét nhỏ lõm. Ấu trùng mò thường chọn đốt vào những vùng kín, da mềm, ẩm như bẹn, nách, cổ, thậm chí trong vành tai, rốn, mi mắt, cạp quần, lại không đau, không ngứa nên người bệnh thường không chú ý đến vết đốt.
BS Cấp cho biết, trên thực tế, phần lớn bệnh thường dễ bị bỏ qua tưởng nhầm sốt vi rút do không để ý nốt đốt trên cơ thể; hoặc có thấy nhưng chủ quan với côn trùng đốt nên khi đến viện thường đã sốt vài ngày. Chẩn đoán nhầm nếu không quan sát, khám kỹ, không phát hiện được vết đốt trên cơ thể người bệnh, dẫn đến điều trị dai dẳng không dứt sốt, thậm chí có biến chứng nguy hiểm thành suy đa phủ tạng như suy gan, suy thận, rối loạn đông máu, viêm cơ tim và có thể tử vong.
Trong khi đó, sốt mò rất hiệu quả với kháng sinh đặc hiệu. Chẩn đúng bệnh, dùng đúng kháng sinh bệnh nhanh chóng được khống chế.
“Trong mùa hè, hạn chế nguy cơ sốt mò bằng cách không vào các bụi rậm, bãi cỏ thấp, vùng đất ẩm như các khu vực triền sông, vách núi, hang động. Khi đi rừng nên mặc quần áo kín, buộc kín gấu quần, mang tất tay, tất chân, ủng. Không nên đặt ba lô, phơi quần áo, để đồ đạc trực tiếp lên cỏ. Tránh nằm lên bãi cỏ, tạo dáng chụp ảnh hoặc đi vệ sinh trong những bụi cây, lùm cỏ lúp xúp”, BS Cấp khuyến cáo.
Ngoài ra có thể sử dụng quần áo tẩm chất xua đuổi côn trùng, bôi các chất xua côn trùng như benzyl benzoat, DEEP, ethyl hexanediol...lên những vùng da hở.
Còn sau khi đi rừng, đi du lịch tại các vùng rừng núi nếu thấy sốt kéo dài, phát hiện nốt đốt côn trùng bất thường cần đi khám sớm tại cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Hồng Hải