1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cảnh giác những triệu chứng nhồi máu cơ tim "lạ": Có cả đau bụng, tiêu chảy

Hoàng Lê

(Dân trí) - Bác sĩ cảnh báo, một trong những biểu hiện hiếm gặp nhất của nhồi máu cơ tim là tiêu chảy. Có trường hợp đau bụng kéo dài khiến bệnh nhân tưởng bị viêm ruột, dẫn đến điều trị sai cách.

Nhồi máu cơ tim sau khi đau ngực, đau bụng

Thời gian gần đây, các bệnh viện ở TPHCM liên tiếp ghi nhận những trường hợp bị nhồi máu cơ tim nặng, thậm chí ngưng tim ngoại viện thời gian dài.

Như trường hợp của ông T.B.K. (76 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM). Một ngày đầu tháng 3, ông xuất hiện cơn đau ngực dữ dội, khó thở, ngã gục tại nhà rồi ngưng tim ngưng thở, toàn thân tím tái. Sau khi sơ cứu tại chỗ không thành công, người đàn ông được đưa vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định cấp cứu.

Tại đây, các bác sĩ ghi nhận cụ ông bị rối loạn nhịp thất, mạch và huyết áp đều không đo được. Ekip khoa Cấp cứu đã tiến hành hồi sức và sốc điện chuyển nhịp liên tục, giúp bệnh nhân hồi sinh tim phổi thành công sau hơn 30 phút.

Hình ảnh đo điện tim cho thấy bệnh nhân có dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp do tắc động mạch vành trái, kèm sốc tim và suy đa tạng sau ngưng tim kéo dài. Ekip các chuyên khoa Tim mạch can thiệp, Hồi sức cấp cứu, Hồi sức tim mạch đã phối hợp điều trị cho bệnh nhân.

Cảnh giác những triệu chứng nhồi máu cơ tim lạ: Có cả đau bụng, tiêu chảy - 1

Cụ ông hồi phục sau hơn 10 ngày điều trị, ngồi thổi sáo trên giường bệnh (Ảnh: BV).

Cụ ông vừa được tái thông động mạch vành, vừa được can thiệp oxy hóa máu màng ngoài cơ thể (VA-ECMO) kết hợp phương pháp hạ thân nhiệt để bảo vệ não. Sau hơn 10 ngày điều trị tích cực, sức khỏe người bệnh dần ổn định và được xuất viện.

Một trường hợp khác là bà T. (72 tuổi, quê Bình Thuận), đột ngột xuất hiện cơn đau quặn vùng thượng vị (trên rốn) từ giữa tháng 3. Cơn đau này lan lên xương ức và vùng ngực trái, từng cơn. Bà còn buồn nôn, tiêu chảy nhiều lần. Nghĩ mình mắc bệnh lý tiêu hóa nên bà tự mua thuốc uống, cố chịu đựng.

Ngày thứ sáu kể từ lúc cơn đau đầu tiên ập đến, người phụ nữ mệt lả, đuối sức nên nhập bệnh viện địa phương cấp cứu. Tại đây sau khi siêu âm bụng, bác sĩ chẩn đoán bà bị viêm ruột, chỉ định tiêm kháng sinh điều trị. Tuy nhiên sau đó, bà còn đau bụng nhiều hơn.

Lúc này, bệnh nhân được xét nghiệm men tim và đo điện tâm đồ, cho kết quả có dấu hiệu nhồi máu cơ tim. Bệnh nhân được chuyển tiếp đến bệnh viện ở TPHCM ngay trong đêm.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Hồ Thị Tuyết Mai, Trung tâm Tim mạch cho biết, qua thực hiện các cận lâm sàng, bệnh nhân được phát hiện có dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp tính, do sự tắc hẹp của một nhánh động mạch vành.

Cảnh giác những triệu chứng nhồi máu cơ tim lạ: Có cả đau bụng, tiêu chảy - 2

Hình ảnh mạch máu nuôi tim của bệnh nhân bị tắc (A) và sau khi được tái thông (B) cứu mạng (Ảnh: BV).

Lập tức, bệnh viện kích hoạt ekip can thiệp mạch khẩn để cứu người bệnh khỏi nguy cơ đột tử. Ca can thiệp diễn ra vào nửa đêm. Ekip điều trị đặt 1 stent tái thông động mạch liên thất trước. Ngay sau thủ thuật, bà T. hết hẳn đau bụng, hồi phục hoàn toàn và xuất viện 2 ngày sau đó.

Những triệu chứng "lạ" dễ gây chẩn đoán nhầm, điều trị sai

Bác sĩ Mai chia sẻ, bệnh nhân T. không có các triệu chứng điển hình của cơn nhồi máu cơ tim cấp (như đau thắt ngực lan lên cổ và hai vai, khó thở, vã mồ hôi, tim đập nhanh…) mà biểu hiện đau vùng thượng vị, tiêu chảy (khả năng do cơn nhồi máu cơ tim kích thích lên ruột gây phù nề).

Triệu chứng này rất dễ khiến bác sĩ chẩn đoán nhầm sang bệnh lý đường tiêu hóa dẫn đến điều trị sai hướng. Khi đó, bệnh nhân sẽ tăng nguy cơ suy tim nặng, thậm chí tử vong do cơ tim thiếu máu nuôi trầm trọng trong thời gian dài.

Cảnh giác những triệu chứng nhồi máu cơ tim lạ: Có cả đau bụng, tiêu chảy - 3

Theo các bác sĩ, một số nghiên cứu cho thấy, 20-33% trường hợp nhồi máu cơ tim cấp có các triệu chứng không điển hình như đổ mồ hôi lạnh, suy nhược toàn thân, chóng mặt, ngất. Một trong những biểu hiện hiếm gặp nhất của nhồi máu cơ tim là tiêu chảy. Trường hợp này gây khó khăn khi chẩn đoán bệnh, làm chậm trễ quá trình điều trị.

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên có thói quen ăn uống khoa học, thường xuyên tập thể dục thể thao, khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và kiểm soát kịp thời các yếu tố nguy cơ tim mạch, đặc biệt ở người cao tuổi.

Mặt khác, khi xuất hiện những triệu chứng bất thường như tê bì, đau chi, yếu chi, khó thở, mệt nặng ngực, ngất... hay các triệu chứng không điển hình đã kể ở trên, người bệnh không nên tự chẩn đoán, sơ cứu hoặc tự dùng thuốc, mà nên lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và xử trí phù hợp.