Cảnh giác nguy cơ bỏng da vì sứa lửa khi đi tắm biển

(Dân trí) - GS.TS Nguyễn Trường Sơn, Viện trưởng Viện Y học biển Việt Nam, cho biết, năm nào vào dịp hè Viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp là khách du lịch và cả ngư dân bị tổn thương nặng nề do chạm với sứa biển.

GS Sơn cho biết, có 2 loại sứa biển, gồm sứa thường (còn được dùng làm thực phẩm) và sứa lửa. Khác với sứa thường chỉ gây dị ứng, ngứa thông thường sau khi bôi, uống thuốc dị ứng sẽ nhanh khỏi, sứa lửa thực sự là nỗi khiếp đảm của bà con ngư dân đi biển hay du khách nếu không may bị sứa chạm phải khi đang tắm biển.
 
Cảnh giác nguy cơ bỏng da vì sứa lửa khi đi tắm biển

Nguyên nhân là do sứa lửa có nọc đồng nên khi chạm vào da thịt nếu không kịp thời xử lý sẽ để lại những tổn thương nặng nề do nọc độc gây loét, bỏng sâu.

 “Khi bị sứa lửa chạm vào người ta sẽ biết ngay bởi đang bơi trong nước vẫn cảm nhận được sự bỏng rát khi chạm phải sứa lửa. Nó khác với sứa thường gây ngứa, sứa lửa gây bỏng như a xít, đau khủng khiếp. Mới đây, Viện cũng tiếp nhận một số khách du lịch, dân từ đảo Cát Bà đến điều trị vết thương do sứa biển thì vết thương đều rất nặng nề, bỏng sâu”, TS Sơn cho biết.

Nguyên nhân là do nhiều người không biết sơ cứu, thấy có vết đỏ rộp, đau đớn do sứa biển gây ra vội vàng băng vết thương đi thẳng tới viện. Trong thời gian này, nọc độc của sứa vẫn bám trên da gây những thương tổn nặng nề.

“Vì thế, khi đang bơi bỗng dưng thấy đau nhói, bỏng rát cần bình tĩnh lên bờ để rửa vết thương. Cần rửa ngay lập tức bằng nước (thậm chí bằng nước biển), nước thường, nếu kiếm được nước vôi trong thì càng tốt. Sau khi rửa liên tục vào vùng tổn thương do sứa gây ra nên chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế, đặc biệt với các vết thương nặng nên chuyển đến bệnh viện chuyên điều trị các bệnh về biển, như ở Hải Phòng có Viện Y học Biển, Viện Y học Hải quân”.

Tại các cơ sở này, với tổn thương quá nặng, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng ôxy cao áp, vết thương sẽ hồi phục nhanh hơn so với điều trị y tế thông thường.

TS Sơn cũng lưu ý thêm với các trường chạm với sứa biển thường tuy không gây bỏng rát nhưng cũng không nên chủ quan, bởi nó cũng có thể gây dị ứng nặng, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Trong khi đó việc bị chạm, tiếp xúc với sứa biển trong lúc tắm không phải là hiếm gặp mà khá phổ biến trong ngày hè. Thường mọi người bị bị dị ứng, mẩn đỏ ngoài da là chính, sau khi bôi các thuốc chống dị ứng thì thường tự khỏi mà không phải nhập viện. Tuy nhiên với trẻ nhỏ, với những người tiếp xúc vào vùng da nhạy cảm (như trẻ em có thể bị sứa chạm vào vùng dương vật…) thì tình trạng dị ứng sẽ nặng nề hơn bình thường.

Khi đó cũng cần rửa sạch vùng da tiếp xúc, bôi thuốc chống viêm, nếu thêm ngứa ngáy có chịu có thể uống thêm thuốc chống dị ứng.

Nguyên nhân là do sứa có màu trong suốt mắt thường rất khó phát hiện, nên khi tắm ở những vùng biển có nhiều sứa, khi tiếp xúc với sứa ở những vùng da hở, chất độc từ sứa tiết ra dính vào da gây nên tình trạng dị ứng, viêm da. Vì thế, sau khi tắm có hiện tượng nổi mẩn đỏ, ngứa ngoài ra thì nên vệ sinh sạch vùng da bị dị ứng. Nếu tình trạng dị ứng nặng lên nên đi khám để bôi và uống thuốc chống dị ứng sẽ có tác dụng làm dịu vùng da dị ứng, giảm ngứa, tránh gãi trầy xước càng dễ gây nhiễm trùng.

“Vùng biển phía Bắc như khu vực Móng Cái, Cát Bà có khá nhiều sứa. Vì thế vùng có nhiều sứa thì nên hạn chế tắm. Khi quan sát nếu thấy sứa biển thì tốt nhất không xuống tắm phòng nguy cơ chạm với sứa lửa”, TS Sơn nói.

Ngoài ra khi đi tắm biển, nhất là với trẻ em nên mặc đồ bơi để hạn chế nguy cơ sứa biển tiếp xúc với các vùng da nhạy cảm, phòng nguy cơ dị ứng nặng.

Tú Anh