1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cảnh giác “giặc” trong máy giặt

Thế giới xung quanh ta có những thứ có chức năng làm sạch nhưng bản thân chúng lại... dơ bẩn kinh hồn

Bạn sẽ không thể tin được khi ai đó nói rằng cái máy giặt của bạn cũng là một ổ vi trùng không thua gì cái... nhà vệ sinh. Vào năm 2005, đại dịch E.Coli ở Anh quốc đã làm 150 người ngã bệnh và cướp đi mạng sống của 1 em bé khiến các cơ quan y tế phải truy tìm hành tung của con vi khuẩn đáng ghét này. Kết quả thật khó ngờ: Máy giặt lại là hang ổ của E.Coli.

Rất nhiều loại vi khuẩn tá túc

GS Charles Gerba - một chuyên gia về vi sinh vật, hiện công tác tại Khoa Đất đai, Nguồn nước và Môi trường thuộc ĐH Arizona (Mỹ) - cho rằng thật chủ quan nếu mọi người cứ nghĩ những con vi khuẩn như E.Coli hoặc Salmonella chỉ có thể tá túc trong nhà bếp. Theo GS Gerba, có rất nhiều loại vi khuẩn “di dân” vào máy giặt từ các loại “phụ tùng” như đồ lót, vớ, áo ngực…

Cảnh giác “giặc” trong máy giặt - 1

Máy giặt là hang ổ của các loại vi khuẩn Ảnh: Tấn Thạnh

Để truy tìm chứng cứ rằng máy giặt có thể là một nguồn lây lan các bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng, vi khuẩn gây nên, các nhà khoa học đã bắt tay vào việc phân tích, xét nghiệm. Trong những cuộc nghiên cứu trên các mẫu nước giặt quần áo, các nhà khoa học đã ghi nhận được những thành phần “lạ” bao gồm đất, dầu mỡ, tóc, cặn bã và các sợi vải quần áo..., trong đó có một nhóm vi khuẩn khét tiếng là E.Coli (cũng nên nhắc lại là cách đây vài tháng, loại vi khuẩn này “làm mưa làm gió” ở châu Âu, cụ thể là Đức). Loại vi khuẩn này có mặt trong máy giặt do nguyên nhân chính là các mẩu phân dính ở quần lót.

Riêng một nghiên cứu do GS Gerba thực hiện (được tài trợ bởi công ty hóa chất chlorine của Mỹ) cho thấy 60% máy giặt do ông nghiên cứu bị nhiễm các vi khuẩn dạng Coli và trong số các dạng Coli này thì E.Coli chiếm 10%.

Các loại vi khuẩn trong máy giặt không những hiện diện ở lần giặt trước mà còn nằm đó chờ thêm “viện quân” ở lần giặt tiếp theo. Nếu máy giặt không được làm vệ sinh thường xuyên và đúng cách, cộng thêm môi trường ẩm ướt sẽ tạo điều kiện cho đám vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Hơn nữa, cặn đất, mảnh vải còn nằm lại trong máy sẽ càng làm tăng “mức độ dơ” lên gấp nhiều lần. Khi giặt xong quần áo trắng mà bạn thấy những vết màu “lạ” xuất hiện thì đây là lúc bạn cần ra tay lau chùi cái máy giặt.

Cần vệ sinh thường xuyên

Để tiêu diệt các loại vi khuẩn và các thứ dơ bẩn có trong máy giặt, các chuyên gia về vệ sinh y tế khuyên bạn nên giặt quần áo bằng nước nóng. Nên phân loại quần áo ra để giặt, chẳng hạn như giặt các loại “phụ tùng” riêng, rồi ngay sau đó nên xả lại bằng nước nóng và để cho máy giặt thật khô ráo. Cũng nên giặt các loại y phục “nhạy cảm” bằng thuốc tẩy. Khi quần áo đã được giặt xong, cần lấy ra khỏi máy giặt và đem phơi ở nơi có nhiều nắng thay vì những nơi ẩm ướt như góc nhà tắm... Khi phơi quần áo xong, điều trước tiên là rửa thật kỹ đôi bàn tay của bạn.

Nên vệ sinh máy giặt đều đặn, ít nhất 2 lần/tháng. Hạn chế sử dụng các chất làm mềm tơ sợi vì chúng sẽ để lại dầu và silicone trong máy giặt, điều này càng khiến cho máy giặt bẩn hơn và càng hấp dẫn đám vi khuẩn chuyên rình rập để tàn phá sức khỏe con người. Lâu lâu cũng nên “chảnh” một tí bằng cách cho xà bông, thuốc tẩy (không bỏ quần áo) vào máy giặt, chạy nước nóng và “giặt” như bình thường.

Trước thảm họa vi khuẩn đề kháng kháng sinh, các nhà khoa học khuyên người tiêu dùng không nên đặt niềm tin vào những quảng cáo cho các sản phẩm tẩy rửa có pha thêm kháng sinh. Hãy sáng suốt, thận trọng để phân tích một mẩu quảng cáo kiểu như: “Sản phẩm X có tác dụng diệt 80% vi khuẩn”. Nói vậy thì còn 20% vi khuẩn kia sẽ như thế nào? Chắc chắn chúng sẽ phát triển với những đặc tính có thể đề kháng kháng sinh, rồi sinh sôi nảy nở, thế giới lại có thêm những dòng vi khuẩn “lạ” buộc các nhà khoa học phải đau đầu tìm kiếm những dòng kháng sinh mới.

Theo Dược sĩ Nguyễn Bá Huy Cường

Người lao động