1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cảnh báo tình trạng trẻ em phải đi cấp cứu vì dùng nhầm mỹ phẩm của cha mẹ

(Dân trí) - Các loại mỹ phẩm thông dụng từ dầu gội đầu đến lăn khử mùi đã khiến nhiều trẻ em Mỹ phải nhập viện cấp cứu.

Cảnh báo tình trạng trẻ em phải đi cấp cứu vì dùng nhầm mỹ phẩm của cha mẹ - 1

Từ năm 2002 đến 2016, ước tính có 64.686 trẻ dưới 5 tuổi phải đi cấp cứu vì những tổn thương do mỹ phẩm gây ra.

Những sản phẩm thông dụng trong các gia đình nhưng có thể gây hại cho trẻ em bao gồm sơn móng tay, nước hoa, thuốc duỗi tóc, kem dưỡng ẩm, dầu dưỡng da và chất khử mùi, nhóm nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Quốc gia đã công bố kết quả trên tạp chí Clinical Pediatrics.

Các chuyên gia cho biết cha mẹ có thể không nhận thức được rằng mỹ phẩm cần phải được đóng chặt giống như thuốc, và thường bị bỏ quên trên ngăn tủ trong tầm với của trẻ. Hơn nữa, nhiều mỹ phẩm có mùi thơm và giống với đồ ăn, đựng trong bao bì hấp dẫn và dễ mở.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu về 2.429 lượt nhập viện cấp cứu trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 1 năm 2002 đến ngày 31 tháng 12 năm 2016 từ khoảng 100 bệnh viện, trong đó có tám bệnh viện chuyên khoa nhi. Nhóm nghiên cứu đã xem xét các yếu tố bao gồm tuổi của bệnh nhân và nơi họ bị thương.

Các số liệu đến từ Hệ thống giám sát thương tích điện tử quốc gia (NEISS) do Ủy ban an toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ (CPSC) điều hành, giám sát các sản phẩm tiêu dùng liên quan đến các trường hợp nhập viện cấp cứu. Thông tin này được kết hợp với dữ liệu của Cục điều tra dân số Mỹ để tính toán các con số về tỷ lệ thương tích trên 10.000 trẻ em từ 5 tuổi trở xuống.

Hầu hết trẻ nhập viện đều ở độ tuổi dưới hai tuổi. Các bé trai dễ gây hại cho bản thân với các sản phẩm này hơn một chút, chiếm 51% tổng số đối tượng trong nghiên cứu và dễ phải nhập viện hơn, với tỷ lệ 58%.

Các sản phẩm nuốt phải chiếm phần lớn thương tích với tỷ lệ 75%, trong khi các sản phẩm tiếp xúc với da hoặc mắt chiếm 19% số trường hợp. Những trường hợp nuốt phải và phơi nhiễm này thường dẫn đến ngộ độc (86%), hoặc bỏng hóa chất (13%).

Các sản phẩm chăm sóc móng đứng đầu danh sách các sản phẩm gây thương tích. Với chất tẩy sơn móng là thủ phạm lớn nhất (17%), tiếp theo là các sản phẩm dành cho tóc với tỷ lệ 27%. Hơn 12,7% số ca thương tích có liên quan đến nước hoa.

Các tác giả tin rằng ước tính này là ở mức thấp, vì nghiên cứu chỉ bao gồm những trường hợp trẻ phải nhập viện, và do đó không tính đến những trường hợp đi khám ở phòng khám hoặc đến các trung tâm chống độc.

RebeccaMcAdams, cộng tác viên nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu và chính sách thương tích tại Bệnh viện Nhi đồng quốc gia nói: "Khi bạn nghĩ về những gì trẻ nhỏ nhìn thấy khi nhìn vào những sản phẩm này, bạn sẽ hiểu những thương tích này có thể xảy ra như thế nào.

"Trẻ em ở tuổi này chưa biết đọc, vì vậy chúng không biết chúng đang nhìn gì. Chúng thấy một cái chai có nhãn sặc sỡ trông hoặc có mùi giống như thứ gì đó mà chúng được phép ăn hoặc uống, vì vậy chúng cố gắng mở nó ra và nuốt. Khi trong chai hóa ra là nước tẩy sơn móng tay thay vì nước trái cây, hoặc kem dưỡng da thay vì sữa chua, những thương tích nghiêm trọng có thể xảy ra".

BÀ cho biết trẻ có thể xem cha mẹ sử dụng những món đồ này và cố gắng bắt chước họ.

"Vì các sản phẩm này hiện tại không bắt buộc phải có bao bì ngăn trẻ em, điều quan trọng là cha mẹ phải cất chúng ngay lập tức sau khi sử dụng và cất giữ ở nơi an toàn, tránh xa tầm nhìn của trẻ trong tủ hoặc tủ có khóa hoặc một cái chốt. "

McAdams nhắc nhở các bậc cha mẹ giữ cẩn thận các sản phẩm chăm sóc cá nhân, tránh xa tầm mắt của trẻ; cất giữ an toàn cho dù trẻ đã ở độ tuổi nào; và kêu gọi phụ huynh và người chăm sóc cất giữ sản phẩm trong các bao bì nguyên gốc của chúng.

Cẩm Tú

Theo Newsweek