1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cảnh báo: Liên tiếp 3 trẻ nhỏ nhập viện vì đái tháo đường trong tuần

(Dân trí) - TS.BS Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hoá - Di truyền, bệnh viện Nhi TƯ, cho biết, chỉ trong tuần qua (23-29/9) đã có 3 trẻ nhỏ nhập viện do đái tháo đường typ 1. Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, Khoa này đã tiếp nhận hơn 30 trẻ mắc bệnh.

Trường hợp đầu tiên là 1 bé gái 9 tuổi (ở Hải Dương) nhập viện trong tình trạng có biểu hiện sốc, nhịp tim nhanh (150 lần/phút). Xét nghiệm cho thấy glucose máu rất thấp, nước tiểu có xeton, toan máu nặng, HbA1c = 8,94 mmol/L (người bình thường HbA1c chỉ khoảng 6 mmol/L).

Gia đình cho biết trước nhập viện 5 ngày, bé xuất hiện tình trạng nôn sau ăn. Tiếp đó cơ thể luôn mệt mỏi – đau bụng. TS.BS Vũ Chí Dũng đánh giá những biểu hiện này là rất kín đáo, khó phát hiện.


Bệnh nhi 5 tuổi và mẹ tại khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền

Bệnh nhi 5 tuổi và mẹ tại khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền

Tiếp đó là 1 bé trai 5 tuổi (Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sụt 2,5kg, glucose máu cao nhưng may mắn không mất nước, chưa có biến chứng.

Mẹ bệnh nhi cho biết cháu đã không đái dầm khi lên 2 tuổi. Nhưng cách đây 1,5 tháng, cháu xuất hiện tình trạng đái nhiều, kể cả đóng 2 bỉm vẫn tràn, chưa kể uống nước quá nhiều (cứ nửa tiếng uống 1 cốc nước đầy). Gia đình lúc đầu nghĩ uống nhiều nước nên đi tiểu nhiều. Nhưng khi thấy cháu sụt cân và trong toilet lại có kiến nên đã đưa con vào thẳng viện Nhi khám.

TS. Chí Dũng cho biết, trường hợp này nhập viện sớm nên chưa có biến chứng dù HbA1c khá cao (10,1 mmol/L).

Trường hợp thứ 3 là một bé trai 6 tuổi (Lạng Sơn). Bệnh nhi được chuyển đến từ bệnh viện tuyến tỉnh với chỉ số đường máu rất cao (22,6) và HbA1c lên tới 14,5 mmol/L. Bệnh nhi này đã sụt tới 6kg trong 1 tháng và hiện đang được điều trị tích cực tại khoa.

Tỉ lệ đái tháo đường ở trẻ tăng mạnh do đâu?

Đây là lần đầu tiên 3 trẻ vào khoa Nội tiết do mắc đái tháo đường chỉ trong vòng 1 tuần, góp phần vào con số hơn 30 ca mắc đái tháo đường mới từ đầu năm tới nay của Khoa này.

TS. Vũ Chí Dũng nhận định: “Con số chẩn đoán mới đái tháo đường tăng lên rõ rệt”.

Bởi cách đây 20 năm, số ca mắc mới chỉ trung bình 5 trẻ/năm, tăng dần lên 15 trẻ/năm cách đây 10 năm và 5 năm trở lại đây lên tới 35-50 trẻ mắc mới đái tháo đường vào khoa Nội tiết của Viện Nhi Trung ương điều trị.

Về nguyên nhân của tình trạng trên, TS Dũng phân tích qua 3 nhóm lớn.

Nhóm thứ nhất là đái tháo đường typ 1 - do thiếu hụt insulin - tế bào bài tiết insulin bị phá hủy do cơ chế tự miễn - cơ thể sản xuất kháng thể chống lại tế bào tụy.

TS. Dũng cho biết: “Mặc dù nguyên nhân thực sự chưa rõ ràng nhưng người ta thấy rõ vai trò của môi trường, vi rút, trong đó y văn ghi nhận khởi phát bệnh có liên quan đến vi rút đường ruột. Tuy nhiên, ở khoa chúng tôi chưa phát hiện trường hợp nào do vi rút đường ruột”.

"Đái tháo đường typ 1 vốn phổ biến ở chủng tộc da trắng nhưng số trẻ Đông Nam Á mắc căn bệnh này cũng đang tăng lên", TS Dũng cho biết thêm.

Nhóm thứ 2 là đái thái đường kháng insulin. Bệnh gặp ở 95% gặp ở trẻ béo phì. Điều này khác Nhật Bản, đái tháo đường ở trẻ em 60-80% là typ 2 - tỉ lệ nhiều hơn và không liên quan với béo phì như các nước châu Á khác.

Nhóm thứ 3 là di truyền đơn gen – bệnh do tổn thương 1 gen đặc hiệu tham gia vào điều hòa bài tiết insulin. Trong nhóm này lại chia thành 2 nhóm lớn là tiểu đường sơ sinh (dưới 6 tháng tuổi) và tiểu đường ở người trưởng thành trẻ tuổi.

“Nếu bố hoặc mẹ mắc đái tháo đường thì tỉ lệ mắc của con chỉ là 1-4% và đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào tại Khoa”, TS Chí Dũng giải thích thêm về tính di truyền.

Một số các bệnh lý khác như do thuốc (Khoa ghi nhận con số đáng kể trẻ mắc đái tháo đường sau điều trị ung thư), mắc hội chứng di truyền đặc biệt (Down...).

Đáng chú ý, trẻ đái tháo đường typ 1 thường vào viện trong tình trạng cấp tính do biểu hiện dễ nhầm với bệnh khác. Thường thì biến chứng tiểu đường typ 1 là nhiễm toan nặng, mất nước nặng dễ gây sốc, tử vong. Nguyên nhân là do khi đến cơ sở y tế trong tình trạng nôn dễ bị chẩn đoán ngộ độc thức ăn, khi hôn mê lại nghĩ hen phế quản, histerin...

Tương tự là đái tháo đường ở trẻ dưới 6 tháng tuổi (đái tháo đường sơ sinh), thường rất kín đáo vì trẻ chỉ quấy khóc khi khát nước, biểu hiện đi tiểu nhiều không rõ rệt...

Do quá trình phá hủy tụy diễn ra dần dần, đến lúc không thể bù trừ được nữa mới có biểu hiện lâm sàng nên độ tuổi mắc bệnh ở trẻ rất đa dạng.

Trần Phương