Cẩn trọng với việc đốt họng hạt
(Dân trí) - Nhiều người cho rằng viêm họng hạt chỉ đốt mới khỏi. Trên thực tế, đốt họng hạt được chỉ định khá bừa bãi ở các phòng khám. Trong khi đó, bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng lại rất cân nhắc chỉ định này vì nó đem tới không ít phiền toái cho người bệnh…
Dễ gây sẹo họng
Vì có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng viêm họng hạt, nên để điều trị triệt để cần phải xác định được căn nguyên mới đêm lại hiệu quả điều trị. Còn việc đốt họng hạt chỉ giải quyết tạm triệu chứng mà chưa điều trị được căn nguyên. Hơn nữa, việc đốt họng hạt rất dễ gây tình trạng sẹo ở họng, nhất là nếu đốt đi đốt lại nhiều lần. Nhiều người sẹo to, rõ tới mức tự há miệng cũng nhìn thấy sẹo. Sẹo họng khiến người bệnh rất khó chịu, luôn có cảm giác vướng ở vùng họng, hay gây tình trạng nghẹn, khó nuốt.
Bác sĩ Ngọc đã từng khám cho nhiều trường hợp bệnh nhân tới viện vì nghi mình bị… ung thư thực quản do họ luôn có vì cảm giác nuốt vướng ở họng, như nghẹn. Dù đã được nội soi, kiểm tra kỹ càng nhưng nhiều bệnh nhân vẫn băn khoăn, lo lắng cho rằng mình có khối u trong cổ họng. Những trường hợp bị sẹo họng thì cực kỳ khó chữa, thậm chí bệnh nhân phải chịu tình trạng khó chịu đó suốt đời.
Cần chữa đúng căn nguyên
Theo Ths Ngọc, việc điều trị viêm họng hạt cần đúng căn nguyên mới đem lại hiệu quả. Như bị trào ngược dạ dày thực quản thường xuyên sẽ gây viêm họng, lâu ngày sẽ thành viêm họng hạt. Lúc này, điều trị ho, ngứa họng bằng thuốc hay đốt hạt trong họng cũng chỉ là điều trị triệu chứng. Căn bản là phải chữa dứt điểm tình trạng trào ngược dạ dày mới hạn chế được viêm nhiễm vùng họng. Vì vậy, quan trọng là cầm tìm nguyên nhân gây nên tình trạng để xử lý tất cả nguyên nhân đó trước khi chỉ định đốt họng hạt.
Trên thực tế, rất nhiều bệnh nhân dù được đốt họng hạt vẫn hay bị ho lại và tiếp tục mọc các hạt mới. Không ít người bị viêm họng hạt được đốt họng hai, ba lần mà kết quả đâu vẫn hoàn đó, hạt mới vẫn mọc lên, chưa kể lại thêm vết sẹo ngay tại họng khiến họ càng khó chịu, lúc nào cũng có cảm giác nuốt vướng.
Ngoài nguy cơ để lại sẹo ở họng, thì cũng có những trường hợp bị nhiễm trùng tại chỗ do đốt họng quá sâu. Ths Ngọc đã từng điều trị cho một bệnh nhân lặn lội từ Bình Định ra bệnh viện Tai mũi họng T.Ư vì tình trạng nhiễm trùng sâu do đốt họng hạt. Các trường hợp nhiễm trùng sâu đều rất nặng, điều trị khó khăn và tốn kém.
"Ngoài ra, có một số phương pháp điều trị viêm họng hạt như như đốt lạnh (dùng nitơ lỏng), khí dung kháng sinh tại chỗ... tuy nhiên cũng chỉ là điều trị triệu chứng, không cho kết quả lâu dài. Quan trọng nhất vẫn là xác định nguyên nhân để chữa dứt điểm. Vì thế, nếu có vấn đề tai mũi họng, bệnh nhân nên đi khám chuyên khoa tai mũi để được chỉ định chặt chẽ, hiệu quả hơn", Ths Ngọc nói.
Hồng Hải