Cẩn trọng với thời tiết ngày tết
Trước thềm năm mới một đợt rét đậm rết hại vừa xuất hiện ở miền bắc và các vùng miền khác. Khi nhiệt độ thay đổi một cách đột ngột cơ thể sẽ mất đi khả năng điều hòa thân nhiệt khiến chúng ta dễ mắc bệnh, đặc biệt là ở người già và trẻ em.
Nước ta bị ảnh hưởng bởi khí hậu nhiệt đới gió mùa, khi lạnh thì lạnh cắt da cắt thịt, khi nóng thì nóng ran như thể da bỏng. Những đợt rét đậm rét hại thay nhau xuất hiện tại miền Bắc và một số vùng miền khác. Trong những ngày như thế, các bệnh viện hầu như chật cứng người đến khám và điều trị.
Hình minh họa - internet
Lạnh hay nóng quá đều dễ bệnh
Cũng như những động vật máu đông khác, cơ thể con người có một cơ chế điều hòa thân nhiệt khá tuyệt vời và lúc nào cũng giữ cho nhiệt độ cơ thể ở mức 37 độ C. Ở mức nhiệt độ này, mọi hoạt động của cơ thể sẽ ở mức độ hoàn hảo và tốt nhất.
Tuy nhiên, nếu nhiệt độ bên ngoài giảm dưới mức cho phép, các mạch máu dưới da sẽ co lại và giúp cho cơ thể lấy lại khả năng cân bằng về thân nhiệt. Hoạt động này rất cần đến năng lượng, đặc biệt là năng lượng lấy từ chất béo. Chính vì vậy, những cư dân ở xứ lạnh như người Eskimo trong khẩu phần ăn hằng ngày đều có rất nhiều mỡ động vật.
Khi cái lạnh kéo dài và nhiệt độ xuống quá thấp, khả năng tự điều hòa thân nhiệt sẽ bị ảnh hường và đến một lúc nào đó cơ thể sẽ mất hẳn. Hậu quả là con người sẽ dễ mắc bệnh, đặc biệt là những người già và trẻ em. Các bệnh và tai biến gây ra do lạnh kéo dài thường là các bệnh của đường hô hấp, như viêm phổi, cảm lạnh và thậm chí đột tử.
Trong một trạng thái ngược lại, vào mùa hè nóng bức, nhiệt độ có ngày lên đến trên 40oC thì cũng có khá nhiều người bị bệnh và có thể dẫn đến tử vong.
Nắng nóng làm các mạch máu của cơ thể giãn nở quá mức, mất nước qua mồ hôi và hơi thở, nếu không được bù đắp kịp thời bằng nước uống và những loại thực phẩm có nhiều nước sẽ gây ra tình trạng rối loạn nước và điện giải, dẫn đến ngất xỉu mà dân gian thường gọi là say nắng. Chữa say nắng cũng khá đơn giản, chỉ cần những sơ cứu căn bản là đủ. Tuy nhiên, ở người già, cơ chế điều nhiệt không còn hoàn hảo hay ở trẻ em là lứa tuổi mà mọi hoạt động của cơ thể chưa thật hoàn chỉnh nên cũng gặp một số khó khăn nhất định.
Ăn mặc đúng cách cũng làm giảm bớt tác hại của giá lạnh hay nóng bức quá mức. Ảnh: Ngọc Dung
Ăn uống, ăn mặc hợp lý
Một cách giữ gìn sức khỏe tốt nhất khi thay đổi nhiệt độ là phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý theo nhiệt độ môi trường. Vào mùa rét nên ăn thêm chất béo vì chúng giúp chống chọi lại với cái lạnh. Cũng đừng vì quá sợ bệnh tim mạch mà không dám ăn thêm một ít mỡ lợn hay mỡ động vật khác. Một lượng chất béo vừa phải trong bữa ăn giúp tăng thêm vị ngon của thức ăn và chống cái lạnh.
Mùa hè phải uống nước đủ, ăn các loại thức ăn nhẹ và nhiều vitamin, đặc biệt là ra xanh và trái cây tươi. Kinh nghiệm dân gian cho thấy trong một số trường hợp phải làm việc ở môi trường nắng nóng cần uống nước có thêm chất muối để cân bằng về điện giải.
Ăn mặc đúng cách cũng làm giảm bớt tác hại của giá lạnh hay nóng bức quá mức. Chúng ta đừng hiểu nhầm rằng cứ quấn thật nhiều áo là ấm và cởi trần ra là có thể chống chọi với cái nóng. Kinh nghiệm của nhiều xứ sở khác nhau trên thế giới cho thấy: Khi trời quá lạnh, mọi người nên mặc một bộ đồ mỏng nhưng phải bó sát vào người như bộ đồ dệt kim đông xuân, phía ngoài có thể khoác thêm các loại áo ấm khác. Trang phục bó sát người sẽ giúp giữ nhiệt rất tốt. Trời nóng, nên mặc những bộ quần áo hơi dày và kín đáo vì chính những quần áo này giúp cho cơ thể cân bằng thân nhiệt với bên ngoài.
Chú ý đến việc ăn mặc hằng ngày sẽ giúp cơ thể thích nghi với khí hậu bên ngoài dù trời quá nóng hay quá lạnh.
Theo PGS. TS. BS Nguyễn Hoài Nam
Người lao động