Cần Thơ: Đã tiêm phòng vẫn lo trẻ bị sởi

(Dân trí) - Do những diễn biến đáng lo ngại về dịch sởi tại các bệnh viện nên dù nhiều bé chỉ bị sốt phát ban nhẹ, các bậc phụ huynh ở Cần Thơ hết sức lo lắng.


(Thực hiện: Phạm Tâm)

Chiều 17/4 tiếp xúc với PV Dân trí chị Tô Ngọc Dung, ngụ tại phường An Phú, quận Ninh Kiều có con 4 tuổi, nhập viện cách đây 2 ngày nói: “Trước đó, thấy cháu bị phát ban, nóng sốt, ho, bỏ ăn, chúng tôi liền đưa cháu vào bệnh viện để điều trị. Tôi nghe bác sĩ nói cháu bị nghi bệnh sởi. Mấy hôm nay, bác sĩ theo dõi sát và điều trị rất chu đáo nhưng chúng tôi vẫn không hết lo lắng, vì thấy bệnh này đang diễn biến phức tạp quá”.
 
Chị Nguyễn Thị Tâm ở Bình Thủy, Cần Thơ, có con nhỏ 3 tuổi đang điều viêm phổi điều trị ở bệnh viện Nhi đồng cho biết: Con chị đã tiêm phòng sởi, hiện tại bé cũng không bị sởi nhưng chị vẫn rất lo lắng. “Thấy giường bên cạnh có bé sốt phát ban nghi sởi, mặc dù bé này đã được tiêm phòng sởi nhưng tôi vẫn cảm thấy bất an vô cùng vì bây giờ sởi đang trở thành dịch, Chị Tâm nói.

Một em bé bị sốt phát ban, nghi sởi đang điều trị ở bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ
Một em bé bị sốt phát ban, nghi sởi đang điều trị ở bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ từ đầu năm đến nay, bệnh viện này đã tiếp nhận 78 ca bệnh nội trú, biểu hiện dạng thể lâm sàng phát ban dạng sởi (có biểu hiện giống như bệnh sởi: phát ban, ho, tiêu chảy) nhưng chưa có ca nào chuyển biến nặng). Trong khi đó so sánh cùng kỳ, bệnh viện này chỉ tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp có biểu hiện này.

Chiều cùng ngày, Tiến sĩ Bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ Cần Thơ, cho biết: “Hiện chúng tôi đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi qua Trung tâm Y tế Dự phòng nhờ cơ quan này chuyển lên viện Pasteur TPHCM để xét nghiệm nhưng đến nay chưa có kết quả nên chưa thể khẳng định những ca này có chính xác bị sởi hay không”.
 
Cũng theo thống kê của bệnh viện Nhi đồng, quý 1 năm 2014, các bệnh thường gặp ở trẻ tăng cao so với cùng kỳ, khiến bệnh viện này trở nên quá tải. Cụ thể, bệnh tiêu chảy, điều trị nội trú 1.806 ca, ngoại trú 6.555 ca; bệnh viêm phổi điều trị nội trú 1.762 ca, điều trị ngoại trú 6.512 ca…

Bác sĩ Lê Hoàng Sơn - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ trao đổi với PV Dân trí
Bác sĩ Lê Hoàng Sơn - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ trao đổi với PV Dân trí

Bác sĩ Sơn cũng lý giải việc có một số bé đã tiêm phòng sởi nhưng hiện tại vẫn bị sốt phát ban nghi sởi là do “lúc 9 tháng tuổi bé đã được tiêm chủng, nhưng nhiều khi vì bệnh lý hoặc vì một lý do nào đó nên vắc xin chỉ bảo vệ được hệ miễn dịch từ 80-90% trẻ đã tiêm. Do đó, khoảng từ 10-20% số bé đã tiêm chủng vẫn có thể bị mắc sởi. Chúng tôi cũng khuyên các bà mẹ khi con mình đến 9 tuổi phải tiêm nhắc sởi lại một lần nữa để bé được bảo vệ tối đa”, Bác sĩ Sơn cho biết.

Bác sĩ Sơn khuyến cáo: “Sởi là bệnh lý lây lan qua đường hô hấp nhất là khi người mang mầm bệnh hắt hơi hoặc ho làm bắn nước bọt vào không khí, người lành hít vào rất dễ lây.Vì thế các bà mẹ nuôi con nhỏ nên tạo cho bé một môi trường không khí sạch. Trước khi tiếp xúc với con phụ huynh cũng phải sạch sẽ, đồng thời phải vệ sinh kỹ đôi bàn tay cho bé để tránh việc bé bị nhiễm trùng…”

 Phạm Tâm