1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cần Thơ: Cứu sống bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp có rối loạn nhịp tim nặng

(Dân trí) - Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ của bệnh viện này vừa điều trị thành công một bệnh nhân bị áp xe ruột thừa trên, block nhĩ thất độ III, nhịp tim rất chậm chỉ từ 20 - 30 lần/phút.

Cần Thơ: Cứu sống bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp có rối loạn nhịp tim nặng - 1
Các bác sĩ đang đặt máy tạo nhịp tạm thời cho bệnh nhân P.

 Ngày 20/6/2019 bệnh nhân Lê Văn P., (82 tuổi), ngụ Xã Vị Tân, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang được bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang chuyển đến Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ với chẩn đoán Viêm ruột thừa cấp, block nhĩ thất độ III.

Bệnh nhân có triệu chứng đau hố chậu phải, sốt nhẹ, uống thuốc không giảm, huyết áp tăng cao, nhịp tim 20 – 30 lần/phút. Kết hợp với thăm khám lâm sàng, xét nghiệm, siêu âm, các bác sĩ nhận định đây là một tình trạng bệnh lý cấp tính viêm ruột thừa cấp trên bệnh nhân có bệnh lý rối loạn nhịp tim nặng và hẹp van động mạch chủ- tăng huyết áp.

Nhận định đây là một trường hợp bệnh phối hợp phức tạp, cần xử trí cấp cứu, nên các bác sĩ đã tổ chức hội chẩn bệnh viện với các chuyên khoa Cấp cứu, Tim mạch, Gây mê hồi sức, Ngoại tổng quát

Bệnh nhân có chỉ định đặt máy tạo nhịp tạm thời cấp cứu trước và sau đó sẽ tiến hành phẫu thuật điều trị viêm ruột thừa. Sau khi thực hiện đặt máy tạo nhịp tạm thời, nhịp tim bệnh nhân  tăng lên là 60 lần/phút, đảm bảo an toàn cho cuộc phẫu thuật.

Quá trình phẫu thuật bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị viêm ruột thừa viêm mưng mủ, nằm ở vị trí bình thường, rãnh đại tràng có ít dịch viêm. Đầu ruột thừa dính vào mạc treo ruột non tạo thành ổ áp xe.

Sau mổ, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, không sốt, hết đau bụng, vết mổ khô, nhịp tim của máy tạm thời là 60 lần/phút.

Theo bác sĩ CKII Trần Huỳnh Đào – Trưởng khoa  phẫu thuật Gây mê hồi sức, block nhĩ thất độ 3 là mức độ cao nhất trong rối loạn dẫn truyền nhịp tim, làm cho tim không thể bóp đủ tần số nhằm cung cấp đủ máu đến các cơ quan khác, dễ dẫn đến ngất và tử vong. Nếu không xử lý rối loạn nhịp thì nguy cơ đột tử có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

“Tình trạng nhịp tim quá chậm như vậy nếu tiến hành phẫu thuật thì nguy cơ trụy mạch và ngưng tim trên bàn mổ rất cao. Vì vậy để cứu bệnh nhân, cần đặt máy tạo nhịp tạm thời cấp cứu trước và sau đó sẽ tiến hành phẫu thuật điều trị viêm ruột thừa”, BS Đào nói.

Bác sĩ Đào cũng cho biết, hoàn cảnh gia đình bệnh nhân rất khó khăn, gần như không có khả năng chi trả bất cứ khoản chi phí nào. Nhưng xác định đây là một bệnh lý cấp cứu, việc ưu tiên điều trị cho bệnh nhân được đặt lên hàng đầu. Chính vì thế, bệnh viện đã khẩn trương triển khai đặt máy tạo nhịp tạm thời cho bệnh nhân để tiến hành mổ trong điều kiện an toàn hơn. Chính nhờ sự phối hợp đồng bộ và xử lý kịp thời của các chuyên khoa, nên cuộc phẫu thuật đã thành công.

Hiện tại ngoài hỗ trợ một phần kinh phí cho bệnh nhân, Ban giám đốc bệnh viện cũng đã chỉ đạo Phòng Công tác xã hội  tiến hành kêu gọi sự hỗ trợ của các mạnh thường quân giúp đỡ bệnh nhân trên.

Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng đã lên kế hoạch theo dõi và sắp xếp để đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Phạm Tâm