1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cần dừng ngay thói quen mang điện thoại vào nhà vệ sinh

(Dân trí) - Hãy thừa nhận rằng đa số chúng ta thường có thói quen sử dụng điện thoại trong nhà tắm hay nhà vệ sinh. Bạn có biết trong khi đang vui vẻ và thoải mái nói chuyện hay lướt web, chính chúng ta là người làm lây lan các loại vi trùng tiềm ẩn nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khoẻ của bản thân và những người xung quanh.

Cần dừng ngay thói quen mang điện thoại vào nhà vệ sinh - 1

Một nghiên cứu đăng trên Annals of Microbiology Clinical and Antimicrobials phát hiện ra rằng 95% điện thoại di động nhiễm bẩn vi khuẩn, trong đó có khả năng gây nhiễm trùng, chẳng hạn như nhiễm trùng tụ cầu khuẩn. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Arizona cũng phát hiện ra rằng điện thoại của chúng ta mang gấp 10 lần vi khuẩn so với bệ cầu nhà vệ sinh.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh Hoa Kỳ, nói chuyện qua điện thoại khi bị ốm khiến các vi trùng từ đường hô hấp nằm lại trên thiết bị di động, trong số đó có các vi rút gây ra bệnh cúm có thể sống trên bề mặt điện thoại trong vòng 24 giờ. Vì vậy nếu bạn bị cúm và sử dụng điện thoại, khả năng lây lan cúm cho những người bên cạnh rất cao.

Jamin Brahmbhatt, bác sĩ chuyên khoa tiết niệu tại Trung tâm Y tế Khu vực Orlando tại bang Florida, Mỹ khẳng định rằng việc sử dụng điện thoại thông minh trong nhà tắm hay nhà vệ sinh không phải là hành động tốt vì đó đều là những nơi khá bẩn. Vi khuẩn hiện hữu trong toàn bộ phòng tắm hay nhà vệ sinh như tay nắm cửa, bồn cầu, bồn rửa tay. Bạn có thể rửa tay khi đã xong, nhưng bạn không thể rửa chiếc điện thoại của mình.

Sau khi dùng điện thoại để nhắn tin hay lướt web trong nhà vệ sinh, chứng ta thường đút vào túi quần hay túi áo. Vi khuẩn và vi rút không chỉ bám vào túi quần áo mà nó cũng có thể nằm lại trên bề mặt chiếc điện thoại, trên từng con số, bàn phím bấm. Trung bình chúng ta chạm vào điện thoại ít nhất 2.600 lần mỗi ngày, có nghĩa là cơ hội lây nhiễm rất nhiều.

Những người già, trẻ nhỏ, hoặc người bị ức chế miễn dịch do tiểu đường, hóa trị liệu, hoặc một bệnh nghiêm trọng khác sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn. Nếu bạn ở trong nhóm này, điều quan trọng là phải vệ sinh phù hợp và sạch sẽ.

Để giảm nguy cơ nhiễm bệnh từ điện thoại di động, đừng chạm vào nó trong khi bạn đang đi vệ sinh, rửa tay sạch sẽ sau khi sử dụng phòng tắm, nhà vệ sinh hoặc sau khi chạm vào các bề mặt có khả năng nhiễm khuẩn và cần làm sạch các bề mặt này thường xuyên. Tốt nhất là sử dụng chất sát trùng có cồn để tẩy rửa bề mặt.

Đối với điện thoại hay các thiết bị thông minh khác, đó là những thiết bị điện tử và đắt tiền, bạn sẽ không muốn sát khuẩn chúng bằng cách phun lên thiết bị của mình. Thay vào đó, hàng ngày hãy lau sạch thiết bị của mình bằng khăn sạch và cân nhắc sử dụng chất tẩy rửa đặc biệt dành cho điện thoại di động và màn hình.

Quách Vinh
Theo Health