Cần chi 1.600 tỷ cho hiến máu tự nguyện mỗi năm
(Dân trí) - Bộ Y tế vừa đưa ra báo cáo đánh giá tác động của dự thảo Luật về máu và tế bào gốc, trong đó đưa ra hai phương án về hiến máu bắt buộc và tự nguyện, và đánh giá những tác động của chính sách này đến ngân sách, doanh nghiệp và người dân.
Theo ý tưởng của Bộ Y tế, cơ quan này đang có báo cáo để xin ý kiến các bộ ngành về dự án Luật về máu và tế bào gốc trước khi đề xuất Chính phủ vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2018.
Theo dự thảo, Bộ Y tế đưa ra 2 phương án đánh giá tác động, thứ nhất quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm một lần nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu. Phương án 2 là quy định hiến máu là tự nguyện, nhưng đảm bảo 2% dân số tham gia hiến máu.
Đánh giá tác động của phương án 1, hiến máu là bắt buộc, hàng năm Nhà nước sẽ phải đầu tư thêm khoảng 441 tỷ đồng (trong đó gồm 386 tỷ đồng chi lương nhưng nếu tính chi phí tiền lương vào giá túi máu thì Nhà nước chỉ còn phải đầu tư khoảng 60 tỷ cho mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động tiếp nhận máu).
Chủ sử dụng lao động sẽ phải bỏ ra khoảng 3.200 tỷ đồng để chi trả tiền lương cho khoảng thời gian mà người lao động sử dụng để đi hiến máu và bản thân người lao động sẽ phải bỏ ra trên 580 tỷ đồng cho việc đi lại phục vụ cho việc hiến máu.
Phương án thứ 2, coi việc hiến máu là tự nguyện và trong điều kiện lý tưởng là có 18,2 triệu người hiến máu tình nguyện trong năm thì Nhà nước sẽ phải đầu tư thêm khoảng 165 tỷ đồng/năm (trong đó gồm 152 tỷ chi lương nhưng nếu tính chi phí tiền lương và giá túi máu thì Nhà nước chỉ còn phải đầu tư khoảng 20 tỷ cho mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động tiếp nhận máu), chủ sử dụng lao động sẽ phải bỏ ra khoảng 1.250 tỷ đồng để chi trả tiền lương cho khoảng thời gian mà người lao động sử dụng để đi hiến máu và bản thân người lao động sẽ phải bỏ ra trên 217 tỷ cho việc đi lại phục vụ cho việc hiến máu.
Hiện, Bộ Y tế đang hướng đến lựa chọn phương án coi hiến máu là tự nguyện và mỗi năm, số chi ngân sách, chi của DN và tiền của người lao động bỏ ra cho hoạt động hiến máu là hơn 1.632 tỷ đồng, trung bình mỗi ngày là khoảng 4,4 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, nếu sử dụng phương án 1 thì sẽ xuất hiện một lượng máu dư thừa không cần thiết vì theo tính toán của Tổ chức y tế thế giới thì mỗi năm một quốc gia cần khoảng 2% dân số hiến máu. Bên cạnh đó, việc sử dụng phương án 1 cũng làm tăng chi phí đầu tư của Nhà nước cũng như của xã hội lên gấp đôi cho việc sử dụng phương án 2.
Chính vì vậy, theo Bộ Y tế, "việc lựa chọn phương án 2 đề ra vừa phù hợp với thực tiễn, phù hợp với pháp luật quốc tế cũng như không gây tốn kém không cần thiết cho nhà nước và xã hội".
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính trung bình thì khoảng thời gian để đi hiến máu của một người mất 1 giờ/năm. Tuy nhiên, đến nay hoàn toàn không có quy định nào của pháp luật hiện hành cho phép người lao động được nghỉ khi hiến máu. Vì vậy, Bộ Y tế cho rằng, nên cho phép người hiến máu được nghỉ thêm nửa ngày làm việc sau khi đi hiến máu nhằm động viên khuyến khích người dân tham gia hiến máu.
Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật hiện hành thì sau khi hiến máu người hiến máu được nhận một giấy chứng nhận đã qua hiến máu và một phần quà tặng mang tính tương trưng. Hiện về chính sách, Việt Nam không có quy định nào nhằm khuyến khích người dân đi hiến máu.
Theo tính toán lý thuyết của Tổ chức Y tế thế giới ở các nước đang phát triển, dựa trên số dân của mỗi nước, cần khoảng 2% dân số hiến máu mỗi năm. Việt Nam có khoảng 90 triệu dân sẽ cần 1,8 triệu đơn vị máu. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Y tế năm 2010 lượng máu tiếp nhận của cả nước đạt 1 triệu đơn vị (đáo ứng 45% nhu cầu máu và tỷ lệ hiến máu mới đạt 0,9% số dân).
Nguyễn Tuyền