Căn bệnh ung thư khiến người đàn ông e ngại khi điều trị

Hoàng Lê

(Dân trí) - Trước đây nhiều người mắc căn bệnh này phải cắt bỏ bàng quang và đeo túi nước tiểu bên hông đến trọn đời nên tự ti, thậm chí từ chối phẫu thuật, chấp nhận cuộc sống ngắn hơn nhưng toàn vẹn cơ thể.

Anh A. (36 tuổi) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, đau vùng hạ vị, tiểu ra máu có nhiều cặn lắng gần 1 năm nay. Trước đây, khi thăm khám tại Campuchia, người bệnh được chẩn đoán ung thư bàng quang xâm lấn cơ.

Tuy nhiên, vì e ngại sau khi phẫu thuật cắt bỏ bàng quang phải đeo túi nước tiểu bên hông đến trọn đời, nên bệnh nhân không điều trị tại quê nhà mà sang Việt Nam cầu cứu.

Tại bệnh viện, qua xét nghiệm, siêu âm, CT bụng, nội soi sinh thiết bướu bàng quang, cho thấy hình ảnh khối u trong bàng quang kích thước rất lớn, xâm lấn thành bàng quang, chèn ép lỗ niệu quản làm ứ nước thận phải.

Các bác sĩ nhận định, bệnh nhân buộc phải chỉ định cắt bàng quang tận gốc do khối u lớn đã xâm lấn sâu vào lớp cơ. Dù vậy, người đàn ông sẽ được tạo hình bàng quang mới bằng ruột non để mang lại chất lượng cuộc sống tốt nhất.

Căn bệnh ung thư khiến người đàn ông e ngại khi điều trị - 1

Nam bệnh nhân bị ung thư bàng quang (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Bác sĩ Lê Văn Hiếu Nhân, người trực tiếp điều trị cho anh A. chia sẻ, phương pháp cắt bỏ bàng quang tận gốc và tạo hình bàng quang là một phẫu thuật lớn, không chỉ yêu cầu cao về chuyên môn mà còn phụ thuộc nhiều vào cơ địa, thể trạng sức khỏe của bệnh nhân có đáp ứng hay không.

Rất may mắn, tình trạng bướu xâm lấn của người bệnh có thể xử lý triệt để không biến chứng và tái tạo bàng quang mới đảm bảo tốt chức năng sinh lý.

Trải qua 6 giờ phẫu thuật, ê-kíp đã cắt bỏ toàn bộ bàng quang bị bướu xâm nhiễm, dùng đoạn ruột non dài 60cm tạo thành một túi chứa nước tiểu để tái tạo một bàng quang mới nối với niệu đạo nên bệnh nhân vẫn có thể đi tiểu theo đường tự nhiên như trước phẫu thuật.

Sau phẫu thuật 2 ngày, tình trạng sức khỏe người bệnh tiến triển tốt, ăn uống, vận động đi lại bình thường. Dự kiến sau thời gian chăm sóc và làm quen với bàng quang mới, bệnh nhân sẽ không cần phải mang bất cứ một ống dẫn nào.

Căn bệnh ung thư khiến người đàn ông e ngại khi điều trị - 2

Bệnh nhân đi đứng, sinh hoạt bình thường sau phẫu thuật (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Theo bác sĩ Hiếu Nhân, trước đây, phẫu thuật cắt bỏ bàng quang tận gốc phải thực hiện bằng mổ mở, đau nhiều sau mổ và bệnh nhân phải mang hai túi chứa nước tiểu suốt cả đời. Chính vì điều này mà nhiều bệnh nhân điều trị ung thư rất tự ti, thậm chí từ chối phẫu thuật do quá lo ngại về hậu quả sau khi điều trị, chấp nhận cuộc sống ngắn hơn nhưng toàn vẹn cơ thể.

Hiện nay, phẫu thuật này có thể thực hiện qua nội soi ổ bụng. Người bệnh chỉ có một vết mổ ngắn quanh rốn, ít đau và nhanh chóng phục hồi sức khỏe sau mổ. Cùng việc tái tạo bàng quang mới giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Bác sĩ cảnh báo, khi có những biểu hiện bất thường về tiểu tiện như tiểu ra máu, tiểu khó… thì nên đến cơ sở y tế được khám phát hiện để điều trị.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm