Triệu chứng ung thư bàng quang ở nam giới khác gì so với nữ giới?
(Dân trí) - Tỷ lệ mắc bệnh ung thư bàng quang ở nam giới cao gấp 3 đến 4 lần so với nữ giới. Tuy nhiên, nữ giới có xu hướng được chẩn đoán bệnh ở giai đoạn muộn hơn.
Theo Verywell Health, các nhà nghiên cứu tin rằng ung thư bàng quang phổ biến hơn ở nam giới có thể do sự khác biệt về cách chuyển hóa chất gây ung thư trước khi chúng đi qua bàng quang (nơi chúng có thể gây tổn thương tế bào). Hoặc có thể do hormone sinh dục nam (androgen) thúc đẩy sự hình thành khối u trong bàng quang, trong khi hormone sinh dục nữ (estrogen) ức chế sự tiến triển này.
Ngược lại, phụ nữ có xu hướng được chẩn đoán bệnh ở các giai đoạn muộn hơn, không đáp ứng tốt với điều trị và có tỷ lệ tử vong do ung thư cao hơn.
Một nghiên cứu đã xem xét sự phổ biến của các triệu chứng ung thư sớm ở cả hai giới.
Theo đó:
- Đi tiểu ra máu có thể gặp ở 65% nam giới và 68% nữ giới.
- Chứng khó tiểu (tiểu buốt) gặp ở 32% nam giới và 44% nữ giới.
- Chứng tiểu gấp gặp ở 61% nam giới và 47% nữ giới.
- Hiện tượng tiểu đêm gặp ở 57% nam giới và 66% nữ giới.
Đi tiểu đau thường được cho là do nhiễm trùng bàng quang hoặc do ma sát (do mặc đồ lót chật, quan hệ tình dục…) và có thể ít được để ý, đặc biệt là ở phụ nữ.
Theo Everyday Health, nam giới có nhiều khả năng mắc bệnh ung thư bàng quang hơn phụ nữ và người da trắng dễ mắc bệnh này hơn người Mỹ gốc Phi.
Nguy cơ phát triển ung thư bàng quang của bạn tăng lên nếu bạn:
- Hút thuốc lá.
- Làm việc với hóa chất hoặc vật liệu công nghiệp như thuốc nhuộm, cao su, da, kim loại, dầu mỏ, hàng dệt, sơn hoặc khói diesel.
- Sinh ra với khiếm khuyết bàng quang.
- Có tiền sử nhiễm trùng bàng quang mãn tính, sỏi thận hoặc các rối loạn bàng quang khác.
- Đã phải sử dụng ống thông bàng quang trong một thời gian dài.
- Trước đó đã nhận một số loại thuốc hóa trị hoặc xạ trị vùng chậu,
- Có tiền sử nhiễm ký sinh trùng bàng quang.
- Có tiền sử gia đình bị ung thư bàng quang.
- Uống nước có chứa clo hoặc asen.
Ung thư bàng quang là bệnh lý ác tính của cơ quan tiết niệu, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Bệnh hay gặp ở nam hơn ở nữ. Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ cao có thể phòng ngừa được bằng cách bỏ thuốc lá. Có thể phát hiện sớm bệnh bằng những phương tiện chẩn đoán phổ biến hiện nay như siêu âm, chụp CT-Scan, nội soi bàng quang.