1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Căn bệnh nào là nguyên nhân gây tử vong sớm đứng thứ 2 ở Việt Nam?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, căn bệnh này là nguyên nhân gây tử vong sớm đứng thứ 2 ở nước ta. Các chuyên gia đánh giá, nếu không có những bước tiến nhanh hơn, bệnh có thể trở thành đại dịch sau Covid-19.

Tại buổi khai mạc Hội thảo hàng năm Phòng chống ung thư TPHCM lần thứ 26, diễn ra các ngày 7-8/12, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, ung thư luôn là mặt bệnh gây ra gánh nặng y tế và tử vong trước tuổi thọ trung bình cho toàn thế giới và cho cả Việt Nam.

Thời điểm diễn ra đại dịch Covid-19, mỗi ngày toàn thế giới có hơn 26.000 trường hợp tử vong do ung thư, vượt trên cả tử vong đỉnh dịch. Trong năm 2020, toàn cầu có khoảng 19,3 triệu ca ung thư mới và khoảng 10 triệu ca tử vong do ung thư.

Tại Việt Nam, trong những năm qua, ung thư cũng là nguyên nhân gây tử vong sớm đứng hàng thứ 2. Số người mắc ung thư dự kiến gia tăng nhanh trong vòng 50 năm tới (có thể gấp đôi), chủ yếu do dân số gia tăng và già đi, nhưng khuynh hướng thay đổi sẽ khác nhau theo khu vực.

Căn bệnh nào là nguyên nhân gây tử vong sớm đứng thứ 2 ở Việt Nam? - 1

Bệnh nhân ung thư chụp MRI tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM (Ảnh: SYT).

Khu vực được dự báo có mức độ tăng cao nhất là những nước có nguồn lực hạn chế, được xếp trên chỉ số phát triển con người (HDI) thấp. Chính vì vậy, ung thư luôn là mối quan tâm hàng đầu tại Việt Nam và cho các quốc gia trên toàn thế giới.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, Hội thảo hàng năm Phòng chống ung thư TPHCM là diễn đàn thu hút sự quan tâm của Ngành ung thư cả nước. Đây là nơi để các đồng nghiệp chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, những nghiên cứu khoa học mới nhất trên thế giới, ứng dụng tiến bộ y học trong kiểm soát ung thư.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM chia sẻ, thế giới đã ghi nhận, đại dịch Covid-19 làm suy giảm vấn đề chăm sóc điều trị bệnh nhân ung thư. Trong đó, rất nhiều xét nghiệm tầm soát ung thư không thể thực hiện được.

Các chuyên gia tại châu Âu đánh giá, nếu không thể có những bước tiến nhanh hơn và tập trung hơn, ung thư sẽ là một đại dịch sau Covid-19, vì số lượng bệnh nhân được chẩn đoán trễ, kéo dài gia tăng.

Do vậy, hiện nay không chỉ Việt Nam mà trên thế giới cũng tập trung kích hoạt trở lại vấn đề tầm soát, nghiên cứu, chăm sóc và điều trị người bệnh ung thư một cách tốt hơn.

Căn bệnh nào là nguyên nhân gây tử vong sớm đứng thứ 2 ở Việt Nam? - 2

Bệnh nhân ung thư đầu tiên được ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM vào tháng 10 vừa qua (Ảnh: BV).

Hội thảo lần này đón tiếp các đại biểu, chuyên gia từ nhiều nơi trong nước và thế giới đến để cùng chia sẻ những tiến bộ trong phòng chống ung thư, nhất là vấn đề tầm soát, phát hiện sớm và chuyển đổi mục tiêu.

Cũng theo bác sĩ Dũng, ngoài điều trị ung thư, vấn đề bảo tồn chức năng sinh học, thẩm mỹ và chất lượng sống của người bệnh rất quan trọng. Hiện nay, ở bệnh nhân giai đoạn cuối, việc chăm sóc giảm nhẹ, làm sao nâng cao chất lượng và kéo dài cuộc sống của họ là cả một vấn đề.

"Những bước tiến về chăm sóc, đặc biệt là cá thể hóa điều trị, các phương pháp về gen, phân tử... sẽ đóng vai trò quyết định trong thời gian sắp tới", bác sĩ Dũng nói.

Hội thảo hàng năm Phòng chống ung thư TPHCM lần thứ 26 quy tụ hơn 1.770 đại biểu đến từ khắp trung tâm, đơn vị, bệnh viện chuyên khoa ung thư cả nước, các trường đại học Y khoa, các công ty dược và trang thiết bị y tế.

Hội thảo có 21 phiên hội thảo chuyên đề về tổng quát, đầu cổ, tiêu hóa, huyết học, phổi - lồng ngực, vú, phụ khoa, điều dưỡng - chăm sóc giảm nhẹ, giải phẫu bệnh, xạ trị- kỹ thuật phóng xạ và 6 phiên hội thảo vệ tinh được tổ chức.

Các bài báo cáo tập trung vào nghiên cứu khoa học về chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ… trong điều trị ung thư.