Căn bệnh gây tử vong hàng đầu thế giới, rất nhiều người bị ung thư mắc phải

Hoàng Lê

(Dân trí) - Nghiên cứu chỉ ra, rất nhiều trường hợp bị ung thư tinh hoàn, ung thư nội mạc tử cung, ung thư vú, ung thư phổi... mắc căn bệnh này, góp phần làm tăng nguy cơ tử vong cho bệnh nhân.

Tại hội nghị khoa học kỹ thuật năm 2022 của Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM), diễn ra ngày 25/11, TS.BS Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Bệnh viện đã có bài báo cáo về bằng chứng kết nối và ý nghĩa thực hành của hai bệnh lý tim mạch, ung thư.

Theo đó, bệnh tim mạch và ung thư là hai nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Ở các nước phát triển, tỷ lệ tử vong vì ung thư đang có xu hướng tăng gấp đôi so với tử vong do bệnh tim mạch.

Căn bệnh gây tử vong hàng đầu thế giới, rất nhiều người bị ung thư mắc phải - 1

Bệnh nhân điều trị tim mạch tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (Ảnh: Hoàng Lê).

TS.BS Hải cho biết, bệnh tim mạch rất phổ biến ở bệnh nhân ung thư. Các nghiên cứu cho thấy, nguy cơ nhồi máu cơ tim hay đột quỵ trong vòng 6 tháng chẩn đoán ung thư lên đến 4,7%, cao hơn 2 lần so với bệnh nhân không có ung thư (2,2%). Nếu là bệnh ung thư phổi hay giai đoạn ung thư muộn, nguy cơ trên càng cao hơn.

Có 43% bệnh nhân ung thư tinh hoàn gặp tình trạng tăng huyết áp, so với 31% bệnh nhân nam bình thường. Ung thư tinh hoàn cũng liên quan đến tình trạng tăng tỷ lệ hội chứng chuyển hóa, béo phì và rối loạn lipid máu.

Với bệnh nhân ung thư vú, 87% trường hợp có yếu tố nguy cơ tim mạch. Còn ở bệnh nhân ung thư phổi, nguy cơ tử vong vì tim mạch sẽ tăng 30% nếu việc xạ trị hướng về tim. Ở bệnh nhân ung thư là trẻ em, nếu có bệnh tim mạch thường chỉ sống dưới 40 tuổi, mốc tuổi sớm hơn gần 8 năm so với dân số chung.

Theo TS.BS Hải, nếu ung thư làm tăng nguy cơ biến cố và tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân tim mạch, thì người bị bệnh lý tim mạch cũng dễ xuất hiện ung thư mới mắc. Khi nhận ra sự kết nối giữa ung thư và tim mạch sẽ có ý nghĩa lâm sàng trong việc chẩn đoán, điều trị.

Căn bệnh gây tử vong hàng đầu thế giới, rất nhiều người bị ung thư mắc phải - 2

Các bác sĩ cho rằng, hai bệnh lý tim mạch và ung thư có bằng chứng kết nối với nhau (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Cụ thể, khi tiến hành điều trị ung thư, bác sĩ phải xem xét xác suất độc tính với tim, như loại thuốc hóa trị dự định sử dụng, loại thuốc hóa trị dùng trước đó, liều dùng của thuốc.

Trước khi hóa trị, cần theo dõi các bệnh lý tim mạch cụ thể của bệnh nhân, như suy tim, bệnh cơ tim do hóa trị, bệnh van tim nặng, bệnh mạch vành, rối loạn nhịp... để có cách kiểm soát.

Song song đó, cũng cần theo dõi tuổi và các yếu tố nguy cơ tim mạch, như tiền căn gia đình, tiền sử bệnh thận mạn, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, bệnh nhân có hút thuốc lá, béo phì hay không...

Báo cáo viên kết luận, để nhận diện đúng tình trạng, phân loại chính xác mức độ độc tính cho tim khi điều trị ung thư ở mức thấp, trung bình hay cao, cần có sự phối hợp hội chẩn giữa chuyên gia tim mạch và ung thư, từ đó đưa ra phác đồ điều trị tối ưu nhất cho bệnh nhân.

Phát biểu tại hội nghị, TS.BS Nguyễn Hoàng Hải cho biết, trong quá trình điều trị cho người bệnh, đặc biệt là người mắc nhiều bệnh nền, muốn đạt được hiệu quả cần có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa, không chỉ của bác sĩ điều trị trực tiếp mà còn cần sự tham gia của chuyên gia chẩn đoán hình ảnh, dược sĩ, điều dưỡng, chế độ dinh dưỡng...

Hội nghị khoa học năm nay diễn ra sau một năm dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, với số lượng 53 bài báo cáo trong 9 phiên chuyên đề như Ngoại khoa, Sản - Phụ khoa, Tim mạch, Ung thư, Gây mê hồi sức..., tăng hơn so với khi dịch bùng phát. Điều này cho thấy sự nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ, vừa đảm bảo công tác khám chữa bệnh trong giai đoạn nhiều biến động, vừa không ngừng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.