1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Căn bệnh "cổ xưa" khiến hơn 14.200 người Việt tử vong trong một năm

Hoàng Lê

(Dân trí) - Ước tính trong năm 2021, có 169.000 người ở Việt Nam mắc phải và hơn 14.200 trường hợp tử vong vì căn bệnh này.

Sở Y tế TPHCM vừa công bố danh sách đề cử cho giải thưởng thành tựu y khoa Việt Nam năm 2022. Trong đó, có sản phẩm "Sàng lọc lao chủ động tại cộng đồng bằng chiến lược 2X" do các nhân viên y tế của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch là tác giả.

Theo nhóm nghiên cứu, lao được xem là một căn bệnh cổ xưa, nhưng vẫn tiếp tục là nguyên nhân tạo ra gánh nặng trong xã hội hiện đại. Năm 2021, ước tính có 169.000 người ở Việt Nam mắc phải, hơn 14.200 người tử vong vì bệnh lao . Ngoài ra, bệnh lao cũng đẩy nhiều gia đình vào cảnh đói nghèo. Khảo sát quốc gia cho thấy, 21% hộ gia đình rơi xuống dưới mức nghèo sau khi được chẩn đoán mắc bệnh lao.

Để tiếp tục chống lại bệnh lao, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Sở Y tế TPHCM, Friends for International TB Relief (tổ chức phi chính phủ của Đức) và hệ thống mạng lưới y tế cơ sở đã phối hợp thực hiện các hoạt động sàng lọc, phát hiện, chẩn đoán, điều trị và hỗ trợ bệnh nhân lao có hoàn cảnh khó khăn, nhằm tiến đến thanh toán bệnh lao vào năm 2030.

Căn bệnh cổ xưa khiến hơn 14.200 người Việt tử vong trong một năm - 1

Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Năm 2020, kế hoạch 5 năm với tên gọi "Hoạt động can thiệp dự phòng, tìm kiếm ca bệnh và kết nối điều trị trong Chương trình Chống lao tại TPHCM giai đoạn 2020-2025" đã được UBND TPHCM phê duyệt, triển khai tại 10 quận của địa phương.

Nghiên cứu cho thấy, 40% số người mắc lao tại Việt Nam không có các triệu chứng lao điển hình (như ho, sốt hay đổ mồ hôi đêm). Do vậy việc phát hiện và sàng lọc X-quang bệnh lao trong nhóm người này là rất cần thiết.

Một trong những xét nghiệm PCR được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị sử dụng để chẩn đoán bệnh lao là GeneXpert. Tuy nhiên, xét nghiệm này rất tốn kém và không thể thực hiện đại trà.

Vì vậy, Chương trình Chống lao Quốc gia đã thí điểm phương pháp chẩn đoán lao 2X (X-quang và Xpert). Theo đó, X-quang sẽ được sử dụng để sàng lọc người có tổn thương phổi nghi lao để chuyển làm xét nghiệm Xpert chẩn đoán. Là một phần của kế hoạch 5 năm, chiến lược 2X đang được nhân rộng trên toàn địa bàn TPHCM.

Căn bệnh cổ xưa khiến hơn 14.200 người Việt tử vong trong một năm - 2

Bác sĩ kiểm tra ảnh chụp X-quang bệnh nhân lao phổi tại TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Trước mỗi sự kiện sàng lọc X-quang tại các trạm y tế xã, phường và các địa điểm khác trong cộng đồng, thư mời tham gia được gửi tới người tiếp xúc F1 của người mắc lao cùng với các nhóm nguy cơ mắc lao cao (như tất cả những người trên 55 tuổi, người mắc tiểu đường, người nghèo và dễ bị tổn thương).

Kết quả, từ tháng 8/2020 đến cuối tháng 9/2022, kế hoạch 5 năm đã thực hiện tầm soát lao cho 176.800 người qua chụp X-quang ngực. Trong đó có gần 18.500 người được xét nghiệm PCR, nhờ vậy đã phát hiện 3.955 trường hợp lao các thể tại TPHCM.

Không chỉ phát hiện bệnh lao thể hoạt động, kế hoạch 5 năm còn thúc đẩy hoạt động xét nghiệm và điều trị lao tiềm ẩn, cung cấp các gói hỗ trợ xã hội và kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho bệnh nhân lao, nâng cao năng lực y tế cơ sở của thành phố...

Căn bệnh cổ xưa khiến hơn 14.200 người Việt tử vong trong một năm - 3

Bệnh nhân điều trị lao phổi tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Ngoài ra, nghiên cứu này không chỉ tập trung vào bệnh lao mà còn tập trung vào cách sử dụng các công cụ tương tự để chẩn đoán tốt hơn bệnh ung thư phổi và các bệnh đi kèm khác.

Nhờ những nỗ lực và đóng góp tích cực, kế hoạch 5 năm và chiến lược 2X đã được UBND TPHCM ghi nhận, trao tặng bằng khen cho những thành tích và sáng kiến về y tế trong năm 2022.

Trong 3 năm tiếp theo, nhóm nghiên cứu cho biết sẽ sử dụng công nghệ chất lượng cao nhất để nâng cao kết quả đầu ra, thúc đẩy số lượng người dân được thụ hưởng chương trình dự phòng, tìm kiếm ca bệnh kết nối điều trị trong Chương trình Chống lao tại TPHCM.