TPHCM:
Cấm đầu cơ, tăng giá các mặt hàng chống dịch Covid-19
(Dân trí) - Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Đà Nẵng, lãnh đạo TP HCM yêu cầu Sở Y tế chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư y tế chủ động chống dịch, cấm đầu cơ tăng giá các mặt hàng trên.
Đó là chỉ đạo “nóng” từ ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 27/2 về việc tăng cường các biện pháp chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Theo ông Lê Thanh Liêm: “Tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường tại Đà Nẵng, du lịch của Đà Nẵng rất phát triển nên thu hút được nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của người dân trên cả nước nói chung trong đó có người dân ở TP HCM”.
Mặt dù ngành y tế thành phố đã có những tiêu chí an toàn trong công tác phòng chống dịch bệnh, triển khai toàn diện công tác phòng chống dịch cúm tuy nhiên nguy cơ xâm nhập của dịch bệnh luôn tiềm ẩn. Thành phố là địa bàn trọng điểm, mỗi ngày có rất nhiều chuyến bay từ Đà Nẵng về thành phố do đó ngành y tế và các đơn vị liên quan được giao nhiệm vụ tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác.
Ông Thanh Liêm yêu cầu: “Hệ thống phục vụ phòng chống dịch phải được kích hoạt, duy trì ở cấp độ cao nhất, huy động tổng lực ngành y tế vào nhiệm vụ ngăn chặn, không để phát sinh ca bệnh trên địa bàn thành phố. Trong tình huống xấu nhất phải kịp thời khoanh vùng, cách ly, điều trị, dập dịch… để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân đang sinh sống, làm việc trên địa bàn TPHCM”.
Thực hiện chỉ đạo trên, ngày 27/7, BS Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế đã ký công văn (số 4239/SYT-NVY) về việc đảm bảo cung ứng và bình ổn giá các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Sở Y tế yêu cầu phòng Y tế 24 quận huyện triển khai đến các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn đảm bảo cung ứng đủ thuốc thiết yếu như thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau hạ sốt, thuốc kháng viêm, thuốc ho…
Chủ động đáp ứng các trang thiết bị thiết yếu để phục vụ công tác phòng chống dịch; không đầu cơ, tích trữ và tăng giá các mặt hàng này; không kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là các loại khẩu trang y tế.
Phòng y tế các quận huyện có trách nhiệm hướng dẫn các cơ sở bán lẻ thuốc phải ghi lại thông tin cá nhân gồm họ tên, địa chỉ, điện thoại của người mua thuốc ho, thuốc hạ sốt, thuốc cảm cúm. Yêu cầu người mua thuốc ho, thuốc hạ sốt, thuốc cảm cúm phải thực hiện khai báo y tế trên các ứng dụng NCOVI hoặc Vietnam Health Declaration.
Trường hợp người mua thuốc không sử dụng ứng dụng khai báo thì nhân viên cơ sở kinh doanh dược phải hỗ trợ việc khai báo y tế. Đảm bảo 100% các trường hợp khi đến mua thuốc cảm cúm, hạ sốt tại các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn phải được khai báo y tế.
Bên cạnh đó, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh (nếu có), kịp thời thông báo các khó khăn để Sở Y tế có hướng xử lý.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM khuyến cáo:
Người dân không hoang mang, cần bình tĩnh thực hiện theo hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 của Ngành Y tế. Chủ động theo dõi thông tin từ cơ quan chức năng, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; lau khử khuẩn các bề mặt, vật dụng tiếp xúc, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, giữ nhà cửa thông thoáng.
Người dân cần chủ động phối hợp với ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương vận động những người có yếu tố dịch tễ (đến từ Đà Nẵng) khai báo y tế đầy đủ, trung thực; giám sát phát hiện và thông tin đến chính quyền các trường hợp không khai báo y tế theo quy định, các trường hợp nhập cảnh trái phép.