Cải lão hoàn đồng bằng tế bào gốc?
Mặc dù được cảnh báo nhiều lần nhưng việc làm đẹp bằng tế bào gốc dường như vẫn quá hấp dẫn đối với những người có nhu cầu “lấy lại tuổi thanh xuân”.
Trước hết là bởi chính cái tên “tế bào gốc” đã khiến cho người ta liên tưởng tới sự tiên tiến, phát triển hiện đại của y khoa; thứ nữa là hình ảnh quá quyến rũ của những người nổi tiếng trong giới showbiz cũng như lời lẽ “ngọt ngào” để tiếp thị cho làm đẹp… Thế nhưng, hiệu quả của tế bào gốc có thực sự như vậy không?
Cải lão hoàn đồng?
Thực ra, đây là câu hỏi đã được đặt ra nhiều lần và đã có những minh chứng xác thực hẳn của các nhà khoa học, nghiên cứu, thậm chí của chính cơ quan quản lý là Bộ Y tế dưới hình thức quy định nghiêm cấm sử dụng các kỹ thuật liên quan đến công nghệ tế bào gốc trong làm đẹp. Hơn nữa là quy định tuyệt đối cấm sử dụng các hệ cơ quan của con người để sản xuất mỹ phẩm. Vậy mà vẫn chưa đủ để ngăn cản “làn sóng” đi “trẻ hóa” bằng phương pháp này.
Một nữ diễn viên trẻ nổi tiếng với cá tính ngỗ ngược trong các vai diễn, trước đây với làn da nâu ấn tượng, sau một thời gian chìm nghỉm bỗng xuất hiện trở lại với nước da nõn nà, trắng muốt đến không ngờ. Cô “bật mí” với báo chí: Sau khi được mời làm gương mặt đại diện cho một thẩm mỹ viện tại TP Hồ Chí Minh, cô đã được thực hiện một liệu trình tiêm tế bào gốc toàn thân. Kết quả là nước da của cô đã hơn cả… trứng gà bóc. Thẩm mỹ viện này đã tranh thủ tiếp thị: Nếu chỉ làm trắng da mặt, thẩm mỹ viện sẽ tiêm 1 lần tế bào gốc sống có xuất xứ Thụy Sĩ và 3 lần chăm sóc da với mật độ 2 tuần/lần. Sau 2 tháng thực hiện, da mặt sẽ trắng muốt.
1. Trên bao bì sản phẩm, tài liệu quảng cáo do Bộ Y tế cấp phép, thành phần và định lượng dưỡng chất lấy từ tế bào gốc rõ ràng và nêu rõ công dụng. Nếu thông tin trên sản phẩm không có hoặc câu chữ khác là giả mạo. 2. Hiện nay, Bộ Y tế không cấp phép cho bất kỳ mỹ phẩm nào có nguồn gốc từ tế bào gốc. 3. Hãy yêu cầu cung cấp tài liệu công bố chất lượng sản phẩm do Bộ Y tế chứng nhận có ghi rõ thành phần dưỡng chất từ tế bào gốc nào. Nếu không có là giả mạo. |
Để làm trắng toàn thân thì theo thẩm mỹ viện này, liệu trình thực hiện sẽ phức tạp hơn khi mũi tiêm tế bào gốc sống sẽ tăng lên 3 lần và theo đó số lần chăm sóc da cũng tăng lên nhưng tùy theo tính chất vốn có của da mà thực hiện. Số kinh phí bỏ ra để làm trắng da vì “hiệu quả” thế nên đương nhiên cũng không ít: ít nhất phải 120 triệu cho việc làm trắng da mặt, còn làm trắng toàn thân là 210 triệu đồng/liệu trình.
Ở miền Bắc, các thẩm mỹ viện Hà Nội cũng đã thực hiện làm đẹp từ công nghệ tế bào gốc. Không ít thẩm mỹ viện quảng cáo thế này: Lấy 500cc máu của chính mính rồi cho ly tâm để thu về tiểu cầu cô đặc. Tiểu cầu cô đặc ấy sẽ được hòa tan và tiêm vào cơ thể để trở thành nhân tố tái tạo tự nhiên giúp cho da mặt của chính bệnh nhân sáng, mờ nám, xóa nhăn và mọc tóc (đối với người hói đầu)… Đây là phương pháp mà họ gọi là: “Tiêm tế bào gốc tự thân”.
Một nhân viên làm đẹp ở thẩm mỹ viện nằm trên phố Bùi Thị Xuân, Hà Nội nói: “Chúng tôi dùng công nghệ và thầy thuốc Pháp, giá thành 20 triệu đồng/lần điều trị, tùy theo mức độ nám và da nhăn, số lần điều trị sẽ do bác sĩ quyết định. Bây giờ thị trường có nhiều sản phẩm tương tự, nhưng thẩm mỹ viện chúng tôi thực hiện rất cẩn thận, phải đúng người, đúng sản phẩm mới được”.
Chỉ để trị bệnh
Vậy tế bào gốc có thực sự hữu hiệu như quảng cáo?
Trên cơ sở tế bào gốc chính là “nguồn gốc” của các tế bào khác trong cơ thể, nghĩa là sinh ra các tế bào mới khi các tế bào cũ bị chết hoặc bị lỗi nên tác dụng của tế bào gốc được nhiều người cho là tái tạo một số bộ phận trên cơ thể, trong đó đặc biệt là da, từ đó dẫn đến “cải lão hoàn đồng”.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Thiết Sơn, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh - Pôn, Trưởng bộ môn Phẫu thuật tạo hình, Trường ĐH Y Hà Nội, tế bào gốc với phương thức lấy từ ba nguồn cung cấp chủ yếu là tủy xương của xương đùi hoặc mào chậu, mô mỡ từ hút mỡ và từ máu chỉ có khả năng thay đổi đáng kể hiệu quả trong điều trị bệnh như cấy ghép tủy xương để điều trị bệnh bạch cầu, điều trị chấn thương cột sống, teo cơ xơ cứng, Parkinson, tổn thương cơ…
Còn ứng dụng về thẩm mỹ thì chưa có một nghiên cứu chính thức nào cho nên vẫn còn nhiều tranh cãi về mặt xã hội và khoa học xung quanh vấn đề này. Bác sĩ Trần Thiết Sơn khẳng định: “Trong lĩnh vực thẩm mỹ, các nghiên cứu có đủ tính thuyết phục về mặt khoa học của tế bào gốc mới chỉ dừng lại ở chỗ: cải thiện quá trình liền thương của da, tạo một số thay đổi ở cấu trúc da bình thường cũng như sự tăng sinh mô mỡ. Bởi vậy, ứng dụng của tế bào gốc trong thẩm mỹ mang nặng tính thương mại nhiều hơn là giá trị thức tế về mặt y học”.
Bác sĩ Trần Thiết Sơn cũng nhận định, đến thời điểm hiện tại thì khó có thể coi tế bào gốc là “phép nhiệm màu” để tác động tích cực tới quá trình lão hóa hay tái tạo lại diện mạo bên ngoài của con người. Tế bào gốc cũng không thể là cứu cánh cho trẻ hóa vì việc kiểm soát hệ lụy từ việc sử dụng liệu pháp này chưa được chứng minh rõ ràng như hình thành khối u, ung thư, gây ra các bệnh mạn tính, nan y…
Đồng quan điểm, ông Mai Trọng Khoa, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, một trong những nơi được cho phép ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị thoái hóa khớp gối cũng cho rằng: “Phải cẩn trọng khi sử dụng công nghệ gen, trong đó có công nghệ tế bào gốc áp dụng chẩn đoán, điều trị trên người. Do về nguyên lý, kỹ thuật tế bào gốc tái tạo tổ chức và mô, coi như quá trình “xây mới” một “địa chỉ cũ”nên trong quá trình ấy rất khó kiểm soát, nhất là có đảm bảo đúng cái mình yêu cầu. Nếu như không bảo đảm thì tế bào gốc rất dễ gây bệnh ác tính”.
Bởi vậy, với khẳng định của các nhà khoa học, bác sĩ trên đây, việc sử dụng liệu pháp tế bào gốc trong thẩm mỹ cần phải sáng suốt, tỉnh táo, không nên bị dẫn dụ bởi những hình ảnh, lời nói chỉ đúng “bản chất” quảng cáo. Và đặc biệt phải ghi nhớ đây là công nghệ làm đẹp chưa được phép thực hiện của Bộ Y tế dù dưới phương thức nào. Do đó không được tự ý thực hiện nếu không sẽ hệ lụy khôn lường.
Thả nổi quản lý Giám đốc Trung tâm Thẩm mỹ, Viện Bỏng Quốc gia Nguyễn Viết Lượng cho hay, với lĩnh vực tế bào gốc trong y học, điều trị các bệnh nan y thì các quy định khá chặt chẽ. Tuy nhiên, lĩnh vực thẩm mỹ, làm đẹp thì hiện nay gần như bị bỏ lửng ở phương diện quản lý, hầu hết các thẩm mỹ viện đều tự làm theo hiểu biết của mình. Hiện nay, nhu cầu làm đẹp rất lớn, còn lớn hơn cả nhu cầu ăn, mặc, giải trí... Tuy nhiên, với tế bào gốc, việc non trẻ cả ở góc độ khoa học lẫn pháp lý là lý do chính khiến các sản phẩm này tung hoành rầm rộ suốt một thời gian dài và ngốn khá nhiều tiền của của người tiêu dùng song chưa từng bị “sờ gáy”. Tế bào gốc là lĩnh vực rất chuyên sâu, nhưng nhiều đơn vị kinh doanh đi quảng cáo, giới thiệu về công nghệ tế bào gốc đều không có chuyên môn gì về nghề y. |
Theo Nguyễn Hưng
Petrotimes