1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cách uống nước sai lầm gây hại cho sức khỏe

Nam Phương

(Dân trí) - Vào ngày hè nóng bức, còn gì tuyệt vời hơn một cốc nước mát, đặc biệt khi bạn khát. Vậy bạn nên uống từng ngụm nước từ từ hay uống hết cùng một lúc để thỏa mãn cơn khát?

Trong cơ thể chúng ta, nước chiếm từ 60 đến 70%. Điều đó chứng tỏ nước rất cần thiết đối với sức khỏe con người, thiếu nước ảnh hưởng đến các hoạt động sống của cơ thể. Tất cả các phản ứng, các quá trình chuyển hóa trong cơ thể đều cần nước, nước còn giúp đào thải các chất độc hại ra ngoài cơ thể qua nước tiểu, mồ hôi. 

Vào ngày hè nóng bức, còn gì tuyệt vời hơn một cốc nước mát. Nếu bạn đặc biệt khát, việc uống nước có thể có cảm giác như bạn đã nhận được thần dược của sự sống.

Nhưng liệu bạn có thể uống quá nhiều "thuốc tiên" này cùng một lúc không? Nói cách khác, có cách nào uống nước đúng để bạn luôn đủ nước không? Bạn nên uống từng ngụm nước từ từ và đều đặn hay uống hết cùng một lúc?

Theo ScienceABC, vì một số lý do, nhấm nháp nước sẽ tốt hơn là tu ừng ực.

Cách uống nước sai lầm gây hại cho sức khỏe - 1

Uống quá nhiều nước cùng một lúc có thể gây hại cho sức khỏe (Ảnh: H.L).

Làm đầy dạ dày

Nước di chuyển từ miệng xuống thực quản vào dạ dày. Uống nước sẽ khiến dạ dày của bạn nhanh chóng no lên, khiến bạn cảm thấy no và chướng bụng. Nếu uống quá nhiều, bạn cũng có thể cảm thấy buồn nôn vì lúc này dạ dày sẽ cố gắng loại bỏ lượng nước dư thừa bằng cách khiến bạn nôn ra ngoài.

Uống và nhấm nháp nước cũng ảnh hưởng đến tốc độ nước thoát ra khỏi dạ dày. Nước bình thường thoát ra khỏi dạ dày một cách nhanh chóng vì thế bạn đổ đầy nước vào dạ dày càng nhanh thì dạ dày sẽ đổ nước vào ruột non càng nhanh. Hầu hết nước được hấp thu ở ruột non. Nếu bạn uống quá nhiều nước quá nhanh, nó có thể phá vỡ sự cân bằng điện giải của cơ thể.

Cân bằng điện giải trong cơ thể

Giống như cá ở biển thích nồng độ muối nhất định trong nước mà chúng bơi vào, các phân tử và mô trong cơ thể bạn cũng vậy. Tỷ lệ giữa nước và muối rất quan trọng để duy trì tính toàn vẹn của DNA, RNA, protein, chất béo và carbohydrate tạo nên các cấu trúc quan trọng tạo nên cơ thể bạn.

Quá ít nước khiến bên trong cơ thể bạn quá "mặn", có thể làm hỏng tế bào. Nhưng quá nhiều nước cũng làm hỏng tế bào của bạn.

Thận có giới hạn về lượng nước chúng có thể bài tiết. Uống quá nhiều nước liên tục và cùng một lúc có thể làm mất cân bằng điện giải trong cơ thể bạn.

Hạ natri máu

Hạ natri máu, thường được gọi là ngộ độc nước, là khi nồng độ natri trong cơ thể giảm xuống dưới 136mmol/l. Nó có thể gây buồn nôn, nôn, lú lẫn và một loạt các triệu chứng thần kinh khác, chẳng hạn như co giật và hôn mê.

Bạn có thể bị hạ natri máu nếu uống quá nhiều nước theo thời gian. Một nghiên cứu đã kiểm tra cách các vận động viên chạy marathon tại London Marathon 2016 tự bổ sung nước cho cơ thể. Họ phát hiện ra rằng một số vận động viên marathon bị hạ natri máu do uống quá nhiều chất lỏng.

Điều này cũng quan trọng với bạn. Sau khi tập thể dục, bạn có thể bù đắp quá mức lượng chất lỏng bị mất bằng cách uống nhiều nước hoặc dung dịch điện giải hơn. Vì thế, bạn nên thận trọng bổ sung nước cho cơ thể từ từ và điều độ.

Cách uống nước sai lầm gây hại cho sức khỏe - 2

Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Ảnh: L.P).

Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cũng cảnh báo, nếu uống nước ừng ực sau khi tập thể dục cật lực có thể dẫn đến nguy cơ rối loạn điện giải. Trong y khoa gọi đó là hội chứng refeeding (hội chứng nuôi ăn lại).

"Giống như người bị đói kéo dài, khi ăn nhiều, các tế bào sẽ kích hoạt. Khi đó, các kênh được mở ra, đưa điện giải vào trong tế bào và khiến lượng điện giải trong máu tụt xuống nhanh, gây hoa mắt, chóng mặt, ngã, ngất xỉu, trụy tim mạch...", TS Hưng nói.

Chung quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết thêm, ngay cả khi khát nước bạn cũng không nên uống quá nhiều một lúc. Tốt nhất là chúng ta nên uống từ từ từng ngụm một để cho nước có thời gian thấm qua thành ruột vào mạch máu và thỏa mãn nhu cầu khát của một cơ thể bị thiếu nước.

Chúng ta cung cấp nước từ từ, không phải uống một lúc một cốc 150-200ml mà uống ngụm nhỏ 20-30ml. Ngoài ra, bạn không nên đợi khát mới uống.

Cách uống nước sai lầm gây hại cho sức khỏe - 3

Bạn không nên đợi khát mới uống nước (Ảnh: Gettyimages).

Bạn cũng không nên uống nước bị đun đi đun lại nhiều lần, không uống nước nhiều trước khi đi ngủ, không nên uống nước ngọt thay cho nước lọc. Những đồ uống chứa cồn, trà, cà phê có tác dụng lợi tiểu, nên làm tăng tốc độ mất nước qua thận do vậy bạn cần hạn chế tiêu thụ.

5 phút sau khi uống là nước đã rời khỏi dạ dày, vì vậy chỉ nên uống nước 10 phút trước khi ăn hoặc một giờ sau khi ăn chứ không nên uống ngay sau hoặc trong khi ăn. Lý do vì uống trong khi ăn sẽ hòa loãng và mau đưa dịch vị dạ dày xuống ruột, khiến cho sự tiêu hóa khó khăn. Hơn nữa vừa uống vừa ăn, ta sẽ nuốt món ăn chưa được nhai kỹ, điều này không tốt cho tiêu hóa và hấp thu.