Cách tế bào ung thư qua mặt hệ miễn dịch
(Dân trí) - Khi bị hệ miễn dịch phát hiện và tấn công, tế bào ung thư ngay lập tức thay đổi nhận diện, đồng thời ức chế biểu hiện của gen đã chỉ điểm chúng.
Một nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học Bonn (Đức) đã thực hiện nghiên cứu về cách tế vào ung thư qua mặt hệ miễn dịch, để có thể thoải mái "lộng hành" trong cơ thể chúng ta.
TS Maike Effern, đại diện nhóm nghiên cứu, chia sẻ: “Mục tiêu của chúng tôi là giải mã chiến thuật của tế bào ung thư, cũng như tìm hiểu xem những yếu tố mang tính mấu chốt của chiến thuật này. Để thực hiện điều đó chúng tôi tập trung nghiên cứu trên tế bào ung thư hắc tố”.
Tế bào ung thư hắc tố có nhiều điểm khác biệt so với tế bào khỏe mạnh. Ví dụ, ở loại tế bào ác tính này, có rất nhiều gen đặc biệt được hoạt hóa. Theo nhóm tác giả, mỗi gen này đều có thể là một kháng nguyên tiềm năng cho các tế bào T (tế bào của hệ miễn dịch).
Từ quan điểm trên, các nhà nghiên cứu đã phát triển mô hình thí nghiệm để kiểm chứng. Họ gắn nhãn phân tử với từng loại gen hoạt hóa ở tế bào ung thư hắc tố đang trong giai đoạn tiến triển và sử dụng chúng để tạo ra kháng nguyên.
Tiếp theo, họ giải phóng một nhóm tế bào T có khả năng nhận biết tế bào ung thư thông qua nhãn phân tử, đã được gắn trước đó và tấn công các tế bào ác tính này.
“Bằng cách này chúng tôi có thể nghiên cứu về giải pháp mà tế bào ung thư sử dụng, khi trở thành mục tiêu tấn công của hệ miễn dịch” - TS Maike Effern cho biết.
Nhóm tác giả đã thu được kết quả đầy bất ngờ. Theo đó, khi tế bào T nhận diện được một loại gen đặc trưng của ung thư hắc tố và bắt đầu tấn công, tế bào ung thư ngay lập tức thay đổi nhận diện, đồng thời ức chế biểu hiện của gen đã chỉ điểm chúng. Nhờ vậy, các tế bào này có thể qua mặt hệ miễn dịch một cách dễ dàng.
“Bằng cách giải mã chiến thuật của tế bào ung thư, nghiên cứu của chúng tôi có thể đặt nền mống cho các liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư hiệu quả hơn hiện tại”, TS Maike Effern nhấn mạnh về ý nghĩa của công trình khoa học này.