1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cách phòng căn bệnh nguy hiểm dễ gặp nhất trong nắng nóng khốc liệt

(Dân trí) - Nền nhiệt miền Bắc lên tới 40 độ, thậm chí đo được 45 độ ngoài trời giữa trưa nắng đỉnh điểm. Nền nhiệt cao ảnh hưởng tới sức khỏe của mọi đối tượng, đặc biệt là trẻ em và người già. Các chuyên gia chỉ cách phòng ngừa bệnh lý nguy hiểm nhất do nắng nóng.

Chống mất nước, che chắn để phòng say nắng

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi (BV Bạch Mai) cảnh báo, say nắng là căn bệnh nghiêm trọng nhất do nắng nóng và có nguy cơ xảy ra rất cao trong những ngày nắng nóng, với tất cả mọi người, không loại trừ cả trẻ em.

Bệnh xuất hiện khi cơ thể không còn khả năng kiểm soát nhiệt độ: thân nhiệt gia tăng nhanh chóng, ra mồi hôi không đủ để giải tỏa nhiệt, cơ thể không thể tự làm mát. Thân nhiệt có thể lên tới 39,5 độ C hoặc cao hơn trong vòng 10-15 phút. Say nắng có thể dẫn tới tử vong hoặc tàn phế vĩnh viễn nếu không được điều trị cấp cứu kịp thời.

Hà Nội đang trải qua những ngày nắng nóng kỉ lục. Nắng gay gắt ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, đặc biệt là tình trạng say nắng. Ảnh minh họa: Trần Thanh
Hà Nội đang trải qua những ngày nắng nóng kỉ lục. Nắng gay gắt ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, đặc biệt là tình trạng say nắng. Ảnh minh họa: Trần Thanh

Cùng quan điểm này, Bác sĩ Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết người bị say nắng nếu không được cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Bởi khi say nắng, thân nhiệt bệnh nhân lên rất cao (có thể trên 39,5 độ C); Da nóng, đỏ và khô (không ra mồ hôi); Mạch nhanh, mạnh; Đau đầu nhức nhối; Chóng mặt, buồn nôn. Nặng hơn nữa trẻ mê sảng, mất ý thức.

Để phòng ngừa say nắng, những người làm việc ngoài nắng nóng lâu phải trang bị phương tiện bảo hộ tốt nhất gồm áo dày che kín phần gáy, mũ rộng vành che kín đỉnh đầu, chống mất nước. Khi nhiệt độ lên cao nắng nóng ngay gắt ở giờ cao điểm 11h - 15 giờ nên hạn chế hoạt động ngoài trời.

Bởi tất cả các hoạt động tập thể dục, lao động vất vả... dưới trời nắng nóng kỷ lục như hiện nay rất nguy hiểm, có thể gây nên tình trạng sốc nhiệt, trụy mạch, tổn thương não.

Đặc biệt là trẻ em, trong nắng nóng, trẻ vẫn chạy nhảy, chơi đùa tăng sinh nhiệt, lại kèm tình trạng mải chơi chạy ra chạy vào trời nắng, không uống nước nên dễ vã mồ hôi như tắm, người nhợt nhạt, chuột rút, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, nôn, ngất; Da lạnh và ẩm ướt; Mạch nhanh và yếu; thở nhanh và nông cho thấy trẻ có tình trạng kiệt sức do nóng.

Lúc này không xử trí kịp, kiệt sức vì nóng có thể tiến triển thành say nắng. Cần giúp trẻ hạ thân nhiệt bằng các biện pháp: cho uống nước mát, tắm nước mát, lau người bằng khăn mát, đưa trẻ tới nơi có quạt mát, điều hòa, mặc quần áo nhẹ nhàng, thoáng mát.

Khi thấy người có biểu hiện say nắng, thấy da nóng và khô, mệt lả, đau đầu, khó ở, đỏ mặt, nôn mửa và tiêu chảy. Nặng hơn là tình trạng ảo giác, thay đổi ý thức, hôn mê, co giật...cần nhanh chóng chuyển bệnh nhân tới khu vực râm mát, hạ thân nhiệt của bệnh nhân bằng bất cứ biện pháp nào, ví dụ dùng vòi nước mát hay xô nước mát xối lên người, dùng khăn ướt lau người… Nếu độ ẩm không khí thấp, cần bọc bệnh nhân trong một tấm vải ướt và mát rồi quạt thật mạnh. cần nhờ người gọi xe cấp cứu trong khi tìm cách hạ thân nhiệt của bệnh nhân

Theo dõi thân nhiệt và tiếp tục các biện pháp làm mát cho tới khi nhiệt độ xuống còn 38,5 hay 39 độ C.

Uống nước đúng cách

PGS Dũng khuyến cáo, thời tiết nắng, nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải, đặc biệt là ở trẻ em dễ dẫn đến mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa. Những ngày nắng nóng, người dân cần uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol, nước dừa, nước lọc...

Tuy nhiên, hãy uống nước đúng cách, đừng đợi khát mới tu cả cốc mà hãy chủ động uống kể cả khi không thấy khát nước. Nhất là người nhà già, trẻ nhỏ hãy luôn chủ động nhắc nhở uống nước để phòng nguy cơ mất nước.

Đảm bảo cơ thể đủ nước, có phương tiện bảo hộ chống nắng khi đi ngoài đường, hạn chế ra ngoài đường vào thời gian nắng nóng đỉnh điểm sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ say nắng nguy hiểm.

Khi mất nước trẻ có biểu hiện như: Môi khô, khát nước, tiểu ít hoặc không tiểu, nước tiểu cô đặc, sẫm màu; Khóc không có nước mắt; Trẻ quấy khóc, khó chịu; Có vẻ ủ rũ, lờ đờ, mệt mỏi; Trường hợp nặng, trẻ có biểu hiện: mắt trũng, thóp trũng, buồn nôn, nôn, lờ đờ hay hôn mê.

Hãy đảm bảo cơ thể đủ nước. Một người khi hoạt động thể lực trong môi trường nóng bức có thể uống 0,5-1 lít nước mát mỗi giờ), hạn chế các loại nước có cồn vì chúng càng làm gia tăng tình trạng mất nước.

Hồng Hải