Cách phân biệt thịt bò thật và thịt bò giả
(Dân trí) - Có vô số chất dinh dưỡng bên trong thịt bò như: protein, sắt, kẽm, selen, vitamin B12, B6, choline…, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, đôi khi chị em có thể mua nhầm phải thịt bò giả được làm từ thịt lợn.
Thịt bò rất giàu vitamin và khoáng chất, nhất là sắt và kẽm. Theo Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam do Viện Dinh dưỡng xuất bản năm 2017, trong 100g thịt bò lưng loại nửa nạc nửa mỡ cung cấp 174 calo, 9,49g chất béo, 21,53g chất đạm, 1,78mg sắt, 3,64mg kẽm. Ngoài ra còn nhiều vitamin và chất khoáng khác như vitamin B12, vitamin B6, kẽm, phốt pho, selen, niacin..
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, với hàm lượng sắt và kẽm cao, thịt bò có tác động lớn với sự phát triển của các vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Từ đó sẽ giúp tăng cường chức năng trao đổi, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch.
Bên cạnh thể chất, thịt bò còn hỗ trợ, kích thích não bộ. Những chất dinh dưỡng cần thiết cho não mặc dù tồn tại bên trong cả thịt bò lẫn thực vật, tuy nhiên ở thịt bò, cơ thể lại hấp thụ dễ dàng hơn.
Để phân biệt thịt bò giả và thịt bò thật, chúng ta cần:
Kiểm tra độ săn chắc của miếng thịt
TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết chúng ta có thể dùng tay nhấn lên miếng thịt, dễ nhận thấy miếng thịt bò thật săn chắc hơn trong khi miếng thịt bò giả khá mềm và lỏng, thậm chí có thể chảy nước.
Kiểm tra mùi
Khi đưa miếng thịt bò lên ngửi, dễ nhận thấy mùi hôi của thịt bò. Đối với miếng thịt bò giả, thương lái thường sử dụng mỡ bò để bôi lên bề mặt miếng thịt để có mùi thịt bò. Tuy nhiên, khi cắt lát và ngửi miếng thịt đã cắt, bạn không còn thấy mùi thịt bò.
Rửa sạch và quan sát màu nước
Theo TS Sơn, dùng dao thái một phần miếng thịt và ngâm vào trong nước. Sau một thời gian, miếng thịt bò giả sẽ khiến nước chuyển màu đậm. Ngoài ra, khi vớt ra khỏi nước, miếng thịt bò giả sẽ nhạt màu đi nhiều so với lúc ban đầu.
Trần miếng thịt trong nước sôi
Khi trần miếng thịt trong nước sôi, thịt bò thật có màu đậm hơn thịt bò giả chuyển sang màu trắng như thịt lợn.
Sử dụng thịt bò thế nào để duy trì, nâng cao sức khỏe
Tuy nhiên cần lưu ý, thịt đỏ nói chung và thịt bò nói riêng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa vào danh sách các chất có khả năng làm suy yếu hoạt động tế bào. Lý do là vì cơ thể nạp quá nhiều chất harem trong thịt bò, gây ảnh hưởng sức khỏe. WHO khẳng định trẻ ăn từ 100g thịt đỏ trở lên mỗi ngày sẽ làm tình trạng cơ thể giảm sút rõ rệt.
Quỹ phòng chống ung thư quốc tế và Viện nghiên cứu Ung thư Mỹ đã đưa ra khuyến nghị như sau:
Nên tiêu thụ không quá ba lần thịt đỏ mỗi tuần, tổng lượng thịt đỏ trong một tuần vào khoảng 350-500g sau chế biến (tương đương tối đa khoảng 700g thịt sống và không bao gồm trọng lượng của xương). Nếu tính theo ngày thì lượng thịt đỏ không nên vượt quá 70g/ngày (thịt đã chế biến chín), tương đương khoảng 100g/ngày thịt sống không bao gồm phần xương.
Thay vào đó nên sử dụng thịt nạc, tăng cường sử dụng thịt gia cầm, cá, trứng, sữa nhằm đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu về protein và vi khoáng chất.
Khi chế biến ở nhiệt độ cao trên 200 độ C, thịt bò sẽ sinh ra các chất có hại trực tiếp. Ngay cả lượng khói được thải ra trong quá trình chế biến đôi khi cũng làm ảnh hưởng cơ thể phần nào. Vì vậy, chúng ta lưu ý không chế biến ở nhiệt độ cao và tuyệt đối không nên cho ăn thịt bò bị cháy hay khét.