1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bao lâu sau khi nhậu, cơ thể đào thải hết cồn?

Nam Phương

(Dân trí) - Theo lý thuyết, 12-24 giờ sau khi uống rượu bia, nồng độ cồn vẫn đo được trong máu và hơi thở. Tuy nhiên điều này có thể thay đổi tùy thuộc vào từng người, chức năng của gan, lượng thức ăn nạp vào…

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ, rượu bia là chất làm giảm chức năng của não, làm suy giảm khả năng tư duy, suy luận và phối hợp cơ bắp. Tất cả những khả năng này là cần thiết để vận hành phương tiện giao thông một cách an toàn.

Khi nồng độ cồn tăng lên trong cơ thể, các tác động tiêu cực đến hệ thống thần kinh trung ương sẽ tăng lên. Rượu được hấp thụ trực tiếp qua thành dạ dày và ruột non. Sau đó, nó đi vào máu, nơi nó tích tụ cho đến khi được chuyển hóa ở gan. 

Kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở có thể phát hiện nồng độ cồn trong khoảng thời gian ngắn hơn, khoảng 4-6 giờ. Một máy nhỏ gọi là máy phân tích hơi thở đo nồng độ cồn. 

Bất kỳ con số nào trên 0,02% là không an toàn vì bạn bị mất khả năng phán đoán và suy giảm chức năng thị giác. Điều đó có nghĩa người đó có trên 20 miligam rượu trong 100 mililít máu. Tuy nhiên, ngay cả một lượng nhỏ rượu cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe. 

Bao lâu sau khi nhậu, cơ thể đào thải hết cồn? - 1

Tốc độ đào thải chất cồn ở mỗi người là khác nhau Ảnh minh họa: A.D).

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết nồng độ cồn trong khí thở có thể được tính theo công thức: B= C:210, B: là nồng độ cồn trong khí thở, C: là nồng độ cồn trong máu. 

Công thức tính nồng độ cồn trong máu: C = 1,056  x A : (10W x R).

Trong đó, A là số đơn vị cồn uống vào, W là cân nặng, R là hằng số hấp thụ rượu theo giới tính (r = 0,7 với nam và r = 0,6 với nữ).

Ví dụ, một nam giới 70kg uống 440ml bia 5% cồn tương đương 2 đơn vị cồn thì nồng độ cồn trong máu là C = 1,056 x 20:(10 x 70 x 0,7)= 0,0431 và tương đương 43,1mg/100ml máu.

Khi đó nồng độ cồn trong khí thở sẽ được tính là: B = 43,1:210=0,20mg/lít khí thở.

Thông thường, sau 1 giờ gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết 1 đơn vị cồn (tương đương 10g cồn nguyên chất), tương đương 220ml bia (2/3 chai nồng độ cồn 5%), tương đương 100ml rượu vang (nồng độ cồn 13,5%), tương đương 30ml rượu mạnh (nồng độ cồn 40%).

Để đào thải hết hoàn toàn 1 đơn vị cồn, cơ thể còn phải mất khoảng 2 giờ nữa. Ngược lại, đối với những người có gan yếu hoặc cơ thể chuyển hóa chậm thì việc đào thải cồn sẽ lâu hơn. 

PGS Thịnh cũng nhấn mạnh cách tính chỉ này để tham khảo, tốc độ đào thải chất cồn của mỗi người là khác nhau và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. 

"Cách đơn giản nhất là chúng ta không uống, đã uống thì không tự lái xe, để không phải uống vào rồi lại thấp thỏm sợ bị thổi phạt nồng độ cồn. Mức phạt hiện nay là rất cao. Đây là biện pháp rất tốt để tránh hiện tượng uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn cho chính mình và cho người xung quanh", PGS Thịnh nói. 

Theo ông, câu nói của các cụ ngày xưa "nam vô tửu như kỳ vô phong" ngày nay không còn phù hợp. Đã uống rượu bia mà vẫn lái xe là vấn nạn không chỉ của Việt Nam mà nhiều nước. Vì thế, việc tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật là cần thiết để tránh tai nạn không đáng có. 

Mất bao lâu để tác dụng của rượu bia biến mất?

Theo Healthline, rượu bia là một chất gây nghiện có "tuổi thọ" ngắn trong cơ thể. Khi rượu đã đi vào máu, cơ thể bạn sẽ chuyển hóa một lượng rượu nhất định mỗi giờ, tùy thuộc vào từng cá nhân và các yếu tố khác như kích thước và trọng lượng gan.

Cơ thể bạn chuyển hóa rượu bia với tốc độ không đổi, khoảng một ly mỗi giờ. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi phần nào dựa trên loại rượu bạn uống, sức khỏe thể chất hoặc khuynh hướng di truyền của bạn.

Rượu bia được chuyển hóa như thế nào?

Khi bạn uống rượu bia, nó sẽ nhanh chóng được hấp thụ trong dạ dày và ruột non. Từ đó, nó đi vào máu để đi đến gan.

Gan giải phóng các enzym để phân hủy chất cồn. Tuy nhiên, cơ quan này chỉ có thể chuyển hóa một chút tại một thời điểm, phần dư thừa sẽ lưu thông khắp cơ thể. Vì vậy, lượng rượu bạn tiêu thụ trong một khoảng thời gian cụ thể sẽ cho bạn biết sau bao lâu thì nó được chuyển hóa hết. 

Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa rượu

Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến nồng độ cồn trong máu và tốc độ bạn đào thải nó ra khỏi cơ thể, bao gồm:

- Giới tính: Nữ giới có xu hướng có nồng độ cồn cao hơn và loại bỏ rượu nhanh hơn nam giới.

- Tuổi: Thanh thiếu niên, thanh niên và người lớn tuổi đào thải chậm hơn.

- Thức ăn: Tốc độ trao đổi chất tăng theo thức ăn.

- Thời gian trong ngày: Rượu chuyển hóa nhanh hơn vào cuối ngày.

- Tập thể dục: Rượu được loại bỏ nhanh hơn một chút trong khi tập thể dục.

Điều quan trọng nữa là phải biết lượng cồn trong đồ uống của bạn vì điều đó sẽ quyết định thời gian chuyển hóa đồ uống của bạn. 

Mặc dù có rất nhiều yếu tố tác động, tỷ lệ trao đổi chất trung bình để loại bỏ rượu là khoảng một ly mỗi giờ.

Có những bước cụ thể bạn có thể thực hiện để giúp giảm tác dụng của rượu.

- Thức ăn có thể giúp cơ thể bạn hấp thụ rượu.

- Nước có thể giúp giảm nồng độ cồn.

- Tránh caffein.