Cách điều trị đờm cổ họng hậu Covid-19

Ho khan là một triệu chứng Covid-19 phổ biến nhưng khoảng một phần ba bệnh nhân lại gặp phải tình trạng đờm cổ họng hậu Covid-19 và tắc nghẽn phổi.

Điều này có thể biểu hiện như tức ngực hoặc nặng ở ngực, thở khò khè và ho đờm đặc kéo dài. Cách chữa trị đờm ở cổ với các biện pháp khắc phục tại nhà và các bài tập hít thở, mọi người có thể làm sạch tắc nghẽn phổi và đờm cổ họng hậu Covid-19.

Covid-19 tác động đến hệ hô hấp như thế nào?

Covid-19 là căn bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra và lây nhiễm sang các tế bào lót đường thở, đặc biệt là màng nhầy. Tình trạng nhiễm trùng gây ra các phản ứng viêm trên đường hô hấp, bao gồm viêm phổi. Đây thường là nguyên nhân gây khó thở trong các trường hợp nhiễm Covid-19 và trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể phải điều trị tại bệnh viện với oxy hoặc máy thở.

Khác với các trường hợp viêm phổi khác, các triệu chứng sau mắc Covid-19 có thể mất vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí lên đến một năm để hồi phục. Nhiễm trùng và viêm đường hô hấp, có thể gây sản xuất chất nhầy quá mức dẫn đến ho có đờm hay dính đờm cổ họng kéo dài.

Cách điều trị đờm cổ họng hậu Covid-19 - 1

Chất đờm cổ họng hậu Covid-19 là gì?

Đờm hay chất nhầy là chất lỏng đặc được tạo ra bởi đường hô hấp trên để giữ cho chúng thông thoáng và ẩm ướt. Đây cũng được ví như một hàng rào bảo vệ để ngăn vi trùng xâm nhập sâu vào đường hô hấp dưới. Đờm thường trong, nhưng có thể có màu trắng, hơi vàng hoặc các màu khác. Tính chất của đờm có thể thay đổi từ đặc đến loãng và khô hơn nhiều tùy vào từng tình trạng sinh lý, chẳng hạn như khi nhiễm trùng hoặc viêm thúc đẩy cơ thể tạo ra chất nhầy đặc hơn và dính hơn để ngăn nhiễm trùng lây lan và phát triển.

Theo đó, chất đờm cổ họng hậu Covid-19 đã được đặt giả thiết là do cơ thể vẫn còn tiếp tục phản ứng chống lại vi trùng xâm nhập. Điều này đôi khi còn khiến cho người bệnh phải ho và hắt hơi kèm theo chảy nước mũi khi cơ thể cần thải chất nhầy và vi trùng ra khỏi đường hô hấp.

Tuy nhiên, tình trạng đờm cổ họng hậu Covid-19 đôi khi bài tiết ra với lượng quá mức và liên tục, gây ho, khò khè, khó thở và đau tức ngực. Những điều này gây ảnh hưởng rất nhiều đối với chất lượng cuộc sống, khả năng hòa nhập trong xã hội hằng ngày; thậm chí còn gây cản trở sự phát triển chất ở trẻ nhỏ sau khi khỏi Covid-19. Do đó, các cách điều trị đờm cổ họng hay làm sao để tiêu đờm cho trẻ rất được quan tâm.

Cách chữa trị đờm ở cổ như thế nào?

Chất nhầy mà cơ thể sản xuất ra khi bị viêm nhiễm đường hô hấp là có mục đích nhưng hầu hết người bệnh đều muốn tìm cách sớm tiêu đờm đạt hiệu quả. Mặc dù việc loại bỏ chất nhầy sẽ không làm cho tình trạng nhiễm trùng biến mất, điều này lại có thể giúp người bệnh hít thở tốt hơn và tăng chất lượng cuộc sống. Dưới đây là một số cách điều trị đờm cổ họng dư thừa:

Uống thuốc theo toa

Nếu gặp những khó chịu với sự hiện diện của đờm cổ họng hậu Covid-19, bác sĩ có thể kê một trong hai loại thuốc theo toa nhằm mục đích làm loãng chất nhầy, khiến cơ thể dễ ho và khạc ra hơn, gồm có:

N-acetylcysteine thường được kê toa để phá vỡ các liên kết hóa học trong chất nhầy.

Bromhexine cũng có thể được kê đơn với chỉ định tương tự. Các nghiên cứu chỉ ra rằng thuốc này có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng ở bệnh nhân Covid-19 nhập viện.

Cả hai loại thuốc loãng đàm nêu trên đều giúp giảm ho nhưng hoạt động thông qua các cơ chế khác với thuốc long đờm không kê đơn có chứa guaifenesin, vì vậy chúng có thể hữu ích nếu thuốc đó không tác dụng. Tuy nhiên, nếu cơn ho đờm hậu Covid-19 vẫn kéo dài hoặc tình trạng nghẹt thở ở ngực gây ra các vấn đề về hô hấp nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể cần tập vật lý trị liệu để cải thiện sức khỏe và sức mạnh của chức năng hô hấp.

Các thuốc điều trị không kê đơn

Thuốc long đờm có hoạt chất guaifenesin có thể làm loãng chất nhầy và giúp dễ ho tống xuất hơn. Kết quả người dùng đạt được là giúp thông đường thở dễ dàng hơn và sẽ giảm ho do tắc nghẽn.

Thuốc thông mũi có pseudoephedrine có thể làm co mạch máu trong màng nhầy, đặc biệt là trong xoang, làm chậm quá trình sản xuất chất nhầy. Thành phần này là một cách điều trị đờm cổ họng và sẽ đem lại tác dụng tốt nhất nếu có chứng nghẹt mũi kèm theo.

Tuyệt đối không dùng thuốc ức chế ho khi ho có đờm. Điều này là do ho là yếu tố cần thiết để tác động di chuyển chất nhầy ra khỏi phổi và cổ họng, nơi chúng gây cản trở quá trình hô hấp. Việc dùng thuốc giảm ho khi bị ho đờm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi, vì sẽ giữ cho chất nhầy bẩn kèm vi trùng trong phổi và đường thở.

Cách chữa trị đờm ở cổ tại nhà 

Ngoài dùng thuốc, có những biện pháp khắc phục tại nhà khác mà mọi người cũng có thể áp dụng:

Uống đủ nước, chất nhầy có 90% thành phần là nước và có thể trở nên đặc hơn, khó tiêu hơn khi cơ thể thiếu nước.

Sử dụng máy tạo độ ẩm, máy xông hơi mặt hoặc máy xông hơi nói chung.

Làm dịu da mặt bằng một chiếc khăn ấm và ẩm hoặc hít vào mặt bằng một bát nước nóng.

Vệ sinh bằng dụng cụ rửa mũi hoặc thuốc xịt mũi.

Nâng cao phần người trên lên khi ngủ hoặc nằm.

Áp dụng các bài tập thở sâu theo chu kỳ để làm sạch đờm cổ họng hậu Covid-19.  

Tóm lại, đờm hay chất nhầy là sản phẩm được tạo ra bởi màng nhầy trong đường hô hấp. Những người bị Covid-19 và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nói chung đều có thể bị đờm cổ họng và ho kéo dài. Lúc này, bác sĩ có thể chỉ định các thuốc để giúp làm loãng đờm và giúp tống xuất hiệu quả hơn. Ngoài ra, người mắc hậu Covid-19 cũng có thể áp dụng các cách điều trị đờm cổ họng không dùng thuốc nêu trên, vừa cải thiện bài tiết đờm, vừa để nâng cao chức hệ hô hấp nói chung. 

Hiện tại, Vinmec có các gói khám hậu Covid-19:

Đánh giá chức năng hệ hô hấp sau nhiễm Covid-19: Dành cho bệnh nhân có khó thở, ho, tức ngực kéo dài; bệnh nhân bị hạn chế vận động thể lực, hụt hơi.

Đánh giá chuyên sâu chức năng hệ hô hấp sau nhiễm Covid-19: Dành cho các bệnh nhân đã được chẩn đoán tổn thương phổi trong giai đoạn cấp tính: tổn thương phổi kính mờ, viêm phổi, xơ phổi

Sàng lọc rối loạn tâm thần kinh sau nhiễm Covid-19: Dành cho bệnh nhân có các triệu chứng kéo dài: mất ngủ, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu; rối loạn thần kinh thực vật; suy giảm nhận thức (brain fog); xuất hiện các rối loạn tâm thần: hoang tưởng, sang chấn tâm lý, trầm cảm, lo âu

Đánh giá rối loạn liên quan đáp ứng viêm hệ thống sau miễn nhiễm Covid: Dành cho các bệnh nhân sốt kéo dài (> 2 tuần), mệt mỏi không rõ nguyên nhân; phát ban trên da: ban dạng mày đay, hồng ban, ban xuất huyết; tổn thương nhiều cơ quan đã biết: tăng men gan, tổn thương thận, tiêu hóa; rối loạn các dấu ấn viêm; rối loạn huyết học: thiếu máu, tan máu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu.

Gói khám dành cho khách hàng trên 18 tuổi.

Gói Đánh giá chuyên sâu chức năng hệ hô hấp sau nhiễm Covid-19 chỉ có tại Vinmec Times City.

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật
Bác sĩ Hô hấp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Đang được quan tâm