Các triệu chứng ung thư bàng quang giai đoạn 3
(Dân trí) - Bệnh nhân ung thư bàng quang giai đoạn 3 có thể gặp các triệu chứng như chán ăn, giảm cân, đau xương, đau lưng dưới, suy nhược, mệt mỏi…
Ung thư bàng quang là ung thư bắt đầu trong bàng quang hoặc niêm mạc của bàng quang.
Theo Healthline, ung thư có thể lây lan (di căn) vào mô lân cận, hoặc nó có thể sử dụng hệ thống máu hoặc bạch huyết để di căn đến các vị trí xa. Ung thư được phân chia theo từng giai đoạn của tế bào ung thư.
Nếu bạn bị ung thư bàng quang giai đoạn 3, điều đó có nghĩa là ung thư đã di căn vào mô bên ngoài bàng quang của bạn. Ở phụ nữ, nó có thể đã lan đến tử cung hoặc âm đạo. Ở nam giới, nó có thể đã lan đến tuyến tiền liệt hoặc túi tinh. Nhưng ung thư vẫn chưa lan đến các hạch bạch huyết hoặc các vị trí xa.
Mặc dù ung thư bàng quang giai đoạn 3 đã tiến triển nhưng nó có thể được điều trị thành công.
Trong giai đoạn đầu, có thể bạn đã tiểu ra máu và thay đổi thói quen đi tiểu và đại tiện. Trong giai đoạn 3 này, bạn cũng có thể gặp các triệu chứng như:
- Không có khả năng đi tiểu.
- Chán ăn.
- Giảm cân.
- Đau lưng dưới.
- Suy nhược và mệt mỏi.
- Sưng chân.
- Đau xương.
Các dấu hiệu cảnh báo sớm của ung thư bàng quang người bệnh cần lưu ý là tiểu máu, tiểu nhiều lần, tiểu đau, đau hông hoặc lưng, gầy sút cân không rõ nguyên nhân, các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiểu, tắc nghẽn đường tiểu do u xâm lấn hay do cục máu đông…
Thuốc lá là một trong những yếu tố hàng đầu làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang. Khói thuốc lá có chứa tới hàng nghìn chất hóa học độc hại và gần 70 chất có khả năng gây ung thư. Độc tố trong khói thuốc lá thâm nhập vào nước tiểu tích tụ quá lâu ở bàng quang, làm tổn thương lớp niêm mạc và hình thành ung thư. Vì vậy, người dân hãy từ bỏ thói quen hút thuốc lá, không hút thuốc lá ở nơi công cộng.
Môi trường lao động độc hại cũng là một trong những yếu tố làm gia tăng tỷ lệ mắc ung thư bàng quang. Vì vậy, quá trình lao động người dân cần trang bị bảo hộ lao động đầy đủ để giảm yếu tố phơi nhiễm các hóa chất độc hại.
Đồng thời, cần điều trị dứt điểm các bệnh lý như viêm bàng quang, nhiễm trùng đường tiểu… để tránh những tổn thương tại bàng quang; xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, luyện tập thể dục thể thao hằng ngày để nâng cao sức khỏe, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Người dân cũng cần kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm ung thư bàng quang để việc điều trị đạt hiệu quả.