Các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh thời điểm giao mùa
(Dân trí) - Bên cạnh sốt xuất huyết, tay chân miệng đang hoành hành, giai đoạn cuối năm khi thời tiết chuyển lạnh sẽ tạo điều kiện cho nhiều loại bệnh khác phát triển. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS.BS Trương Đình Bắc, Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng về các giải pháp phòng bệnh.
Thưa ông, hiện nay sốt xuất huyết, tay chân miệng còn diễn biến khá phức tạp, ông có lưu ý cho cộng đồng trong việc phòng chống hai loại bệnh này?
Ở khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung dù đã cuối mùa mưa, nhưng nhiệt độ vẫn còn cao phù hợp với sự sinh trưởng phát triển của muỗi truyền bệnh. Mặc dù, các địa phương đã nỗ lực phòng chống nhưng SXH vẫn đang tiếp tục gia tăng, ngành y tế và người dân cần tiếp tục triển khai các biện pháp diệt bọ gậy, diệt muỗi. Hàng tuần mỗi gia đình cần phải thực hiện vệ sinh môi trường, thau rửa bể nước, bình bông, cây cảnh… Khi có dịch xảy ra, người dân cần hợp tác với ngành y tế để thực hiện các biện pháp loại trừ bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi.
Cộng đồng cần lưu ý các dấu hiệu của bệnh SXH đặc biệt là biểu hiện chuyển sang bệnh nặng, vào sốc đến bệnh viện để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Người dân không nên tự ý truyền dịch tại nhà, tránh chủ quan nhập viện trễ, sẽ khiến bệnh nặng thêm rất khó cứu chữa.
Cùng với sốt xuất huyết người dân cần đặc biệt chú ý đến căn bệnh nguy hiểm xảy ra ở trẻ là tay chân miệng. Đây là loại bệnh lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết đàm nhớt, phân, nốt bỏng nước ở bệnh nhân… vi rút gây bệnh sẽ từ người mang mầm bệnh hoặc các dụng cụ học tập, đồ chơi, sàn nhà đi vào đường tiêu hóa gây bệnh cho trẻ.
Để phòng chống bệnh tay chân miệng, mọi người cần giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt, đặc biệt là người chăm trẻ, và trẻ em. Cộng đồng cần duy trì thói quen rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh; thực hiện ăn chín uống chín; tiến hành vệ sinh hàng ngày, khử khuẩn hàng tuần đối với đồ chơi, sàn nhà nơi trẻ sinh hoạt, vui chơi. Khi phát hiện các biểu hiện bệnh, trẻ cần được cách ly, đưa đến các cơ sở y tế để được chăm sóc, điều trị kịp thời, tránh nguy cơ bệnh nặng nguy hiểm đến tính mạng và lây lan cho cộng đồng.
Hiện cả nước có 6 ổ cúm A/H5N1 chưa qua 21 ngày, nguy cơ lây lan cho cộng đồng là rất lớn. Đề nghị ông có những khuyến cáo để người dân bảo vệ sức khỏe, tránh nguy cơ nhiễm bệnh?
Từ đầu năm đến nay, chúng ta may mắn chưa ghi nhận trường hợp cúm gia cầm lây sang người, nhưng nguy cơ lây nhiễm luôn luôn tiềm ẩn. Chủng cúm này luôn lưu hành trên gia cầm đặc biệt là trên đàn thủy cầm, chúng mang mầm bệnh nhưng không có biểu hiện bệnh nên rất khó để biết được chúng có bệnh hay không. Thời điểm cuối năm là giai đoạn, nhu cầu sử dụng thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm tăng cao nên tình trạng vận chuyển gia cầm trái phép, chưa qua kiểm dịch cũng rất phức tạp, khó kiểm soát.
Để phòng chống cúm A/H5N1 có thể lây cho vật nuôi và lây sang người, các hộ chăn nuôi cần phải giữ vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đảm bảo an toàn thú y thực hiện tiêm phòng cúm cho đàn gia cầm; đảm bảo phòng hộ cá nhân, rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm. Ở khu vực biên giới phía Bắc và biên giới phía Nam có sự giao lưu, thông thương với các nước láng giềng, nên cần phải cảnh giác với nguồn gia cầm nhập lậu.
Các bệnh nhân mắc cúm A/H5N1 theo thống kê của Bộ Y tế phần lớn đều liên quan đến tiếp xúc, giết mổ, ăn thịt gia cầm bệnh. Do đó, khi phát hiện gia cầm bị bệnh, người dân tuyệt đối không được giết mổ, tiêu thụ gia cầm bệnh mà cần thông báo đến cơ quan thú y địa phương để có giải pháp xử lý. Ngay cả gia cầm khỏe mạnh, đã qua kiểm dịch cũng cần phải nấu chín kỹ, tuyệt đối không sử dụng huyết gia cầm để chế biến món tiết canh.
Thưa ông, từ đầu năm đến nay, bệnh liên cầu lợn xảy ra ở người đã khiến 10 ca tử vong, người dân cần phải làm gì để không bị nhiễm bệnh?
Người mắc liên cầu lợn là do ăn phải các món chế biến từ lợn mang mầm bệnh. Các món ăn phổ biến có thể dễ lây truyền từ lợn bệnh sang người như tiết canh, nem, chạo hoặc các sản phẩm một số người có sở thích ăn ngày sau khi chần tái qua nước sôi như gạn, thận…
Liên cầu lợn là bệnh rất nguy hiểm, hiện chưa lây trực tiếp từ người sang người nhưng ai cũng có nguy cơ mắc bệnh nếu ăn phải lợn bệnh. Do đó, cơ quan thú y cần phải giám sát chặt chẽ vệ sinh chăn nuôi, trong những vùng xảy ra dịch cần thực hiện triệt để các giải pháp xử lý, tiêu hủy theo đúng quy định. Khi lợn mắc bệnh, người dân không làm thịt, không ăn và không bán ra thị trường; người tiêu dùng nên mua những sản phẩm rõ nguồn gốc, có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y, tuyệt đối không ăn tiết canh và các sản phẩm chưa được nấu chín kỹ.
Cuối năm là lúc thời tiết giao mùa, các bệnh cúm mùa do vi rút gây ra thường tấn công cộng đồng đặc biệt là người già và trẻ em. Người dân cần làm gì để bảo vệ sức khỏe?
Thời tiết trở lạnh vào cuối năm, sẽ tạo cơ hội cho một số nhóm bệnh nổi lên đặc biệt là bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm mũi, viêm họng cấp, viêm amidan, viêm khí quản, phế quản, viêm phổi… Người già và trẻ em, người có bệnh lý mạn tính là những đối tượng có sức miễn dịch kém sẽ rất dễ mắc bệnh. Nếu không được chăm sóc điều trị tốt bệnh nhân có nguy có nguy cơ biến chứng nguy hiểm hoặc chuyển sang giai đoạn hen suyễn mạn tính.
Để phòng bệnh hô hấp, người dân cần mặc đủ ấm khi ngủ và khi đi ra đường, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể. Khi mắc bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm. Bệnh hô hấp lây qua tiếp xúc, do đó rửa thay thường xuyên và mang khẩu trang, che mũi miệng khi hắt xì được xem là giải pháp hiệu quả để tránh nguy cơ lây nhiễm cho người khác. Hiện nay, bệnh cúm và một số loại bệnh gặp phải ở đường hô hấp đã có vắc xin, người dân cần thực hiện chủng ngừa để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Vân Sơn