Các dấu hiệu nhận biết ung thư phổi ngoài biểu hiện ho
(Dân trí) - Tỷ lệ tử vong do ung thư phổi cao do bệnh thường được chẩn đoán muộn vào giai đoạn tiến triển xa. Ở giai đoạn đầu, triệu chứng lâm sàng của bệnh không đặc hiệu.
Theo TS Nguyễn Thị Thái Hòa, Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội), ung thư phổi được chia làm 2 loại chính: ung thư phổi tế bào nhỏ (chiếm khoảng 10-15%) và ung thư phổi không tế bào nhỏ (80-85%). Ung thư phổi không tế bào nhỏ được gây ra bởi nhiều nguyên nhân và yếu tốt nguy cơ, trong đó 80-90% ung thư phổi liên quan đến thuốc lá.
Tỷ lệ tử vong do ung thư phổi cao do bệnh thường được chẩn đoán muộn vào giai đoạn tiến triển xa, nên cần tăng cường hiệu quả hoạt động tầm soát, phát hiện sớm ung thư đặc biệt là ở các đối tượng có nguy cơ cao.
Biểu hiện của bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ tùy thuộc vào vị trí và mức độ lan rộng của tổn thương. Trong giai đoạn đầu, tổn thương còn khư trú, bệnh nhân thường không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu và được chẩn đoán qua tầm soát hoặc phát hiện tình cờ qua chẩn đoán hình ảnh.
Các triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng được phân làm 3 nhóm: triệu chứng tại vùng, triệu chứng do di căn xa và các hội chứng cận ung thư.
Các triệu chứng xâm lấn tại chỗ, tại vùng: liên quan đến tắc nghẽn đường hô hấp, thâm nhiễm nhu mô phổi và xâm lấn các cấu trúc chung quanh như thành ngực, mạch máu lớn và các tạn trung thất. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Ho gặp trong khoảng 80% bệnh nhân, thường thay đổi về tần suất và mức độ trên người hút thuốc, có thể ho khan hoặc kèm theo có khạc đờm.
- Ho ra máu
- Khó thở
- Viêm phổi tái diễn một vị trí
- Tràn dịch màng phổi
- Đau ngực
- Đau vai, tay (hôi chứng Pancoast Tobias)
- Hội chứng Homer (sụp mí, co đồng tử, không ra mồ hôi nửa mặt)
- Triệu chứng do chèn ép: khó nuốt, khàn tiếng, hội chứng tĩnh mạch chủ trên…
Các triệu chứng do di căn não, xương chèn ép tủy sống…
- Di căn não: nhức đầu, buồn nôn, nôn, rối loạn nhận thức, vận động, triệu chứng thần kinh khư trú…
- Di căn xương: đau, giới hạn vận động, cảm giác…
- Chèn ép tủy sống: tê, yếu, mất vận động chi, rối loạn cơ tròn…
Các hội chứng cận ung thư:
- Không đặc hiệu: sụt cân (có hoặc không kèm chán ăn)
- Hội chứng tăng tiết kháng lợi niệu
- Hội chứng tăng tiết ACTH
- Hội chứng Lambert- Eaton
- Hội chứng phì đại xương khớp do phổi
- Hội chứng carcinoid
- Các hội chứng huyết học hiếm gặp khác như: thiếu máu, tăng bạch cầu…
Ung thư phổi chẩn đoán như thế nào?
Chẩn đoán bệnh dựa vào:
- Khám lâm sàng: tiền sử, các triệu chứng lâm sàng, khám cơ quan hô hấp và hạch ngoại vi.
- Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh: X-quang, CT Scanner ngực, các xét nghiệm chẩn đoán di căn xa (MRI sọ não, CT ổ bụng, xạ hình xương, PET CT).
- Nếu có khối u tại phổi nghi ngờ ung thư: chẩn đoán xác định bằng giải phẫu bệnh thông qua sinh thiết u/hạch, cell block dịch màng phổi/màng tim.