Ung thư phổi và các vấn đề bạn không nên bỏ qua

Hà An

(Dân trí) - Tại Việt Nam ung thư phổi đứng thứ 2 trong 10 loại ung thư thường gặp trên cả hai giới, chỉ sau ung thư gan. Năm 2020, ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong cho 23797 người Việt.

Ung thư phổi là căn bệnh đáng lo ngại, nhưng nếu phát hiện sớm thì bạn có thể được bác sĩ đưa ra các phương pháp điều trị hiệu quả hơn rất nhiều. Ung thư phổi là loại ung thư thường gặp và ngày càng có xu hướng gia tăng. Gần đây, bệnh xuất hiện ở những người trẻ tuổi nhiều hơn, chiếm tỷ lệ 14,4% tổng số ung thư các loại tính chung trên toàn thế giới.

Ung thư phổi là gì?

Theo Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội), ung thư phổi xảy ra khi các tế bào bình thường ở phổi biến đổi thành tế bào bất thường và không tuân theo sự kiểm soát của cơ thể. Ung thư phổi được chia ra thành hai loại chính là ung thư phổi không tế bào nhỏ (khoảng 80%) và ung thư phổi tế bào nhỏ (khoảng 20 %), trong đó ung thư phổi tế bào nhỏ tiến triển nhanh hơn. Ở Việt Nam, ung thư phổi là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở cả hai giới.

Ung thư phổi và các vấn đề bạn không nên bỏ qua - 1

Triệu chứng của ung thư phổi là gì?

Ở giai đoạn sớm, bệnh thường không có triệu chứng. Ở giai đoạn muộn hơn, người bệnh có thể có các triệu chứng sau:

Ho khan, ho máu, hay ho có đờm

Đau ngực

Khó thở

Khàn tiếng

Đau đầu (khi di căn não) hoặc phù mặt, cổ và tay (khi tĩnh mạch lớn ở ngực bị chèn ép)

Nếu khối u ở đỉnh phổi, người bệnh có thể có các triệu chứng sau:

Đau ở tay, vai, hoặc cổ

Sụp mí mắt, nhìn mờ, nửa mặt bị đỏ

Yếu hoặc liệt tay

Tất cả các triệu chứng trên có thể do các nguyên nhân khác ngoài ung thư phổi. Nhưng khi người bệnh có các triệu chứng trên, hãy đi khám tại các cơ sở chuyên khoa để được bác sỹ khám, tư vấn bệnh.

Xét nghiệm máu có thể chẩn đoán ung thư phổi không?

Xét nghiệm máu không thể giúp bác sĩ đưa ra kết luận chính xác người bệnh mắc ung thư phổi hay không, đó là một trong những chỉ định quan trọng để bác sĩ lấy đó là căn cứ trước chẩn đoán. Nếu các bác sĩ nghi ngờ người bệnh mắc ung thư phổi, người bệnh sẽ cần chụp X-quang ngực.

Ung thư phổi và các vấn đề bạn không nên bỏ qua - 2

Nếu trên X-quang có hình ảnh gợi ý ung thư phổi, người bệnh cần làm thêm một số xét nghiệm sau:

- Xét nghiệm máu

- Chụp cắt lớp vi tính ngực:phương pháp tạo lại các hình ảnh cơ quan bên trong lồng ngực để nhận định tổn thương

- Sinh thiết: bác sĩ sẽ lấy một vài mảnh nhỏ của khối u qua nội soi phế quản hoặc xuyên qua thành ngực, sau đó sẽ quan sát mẫu bệnh phẩm qua kính hiển vi để chẩn đoán

Ung thư phổi được điều trị như thế nào?

Có nhiều phương pháp điều trị, do đó khi bác sĩ tư vấn cho người bệnh phương pháp điều trị, hãy trao đổi thêm với bác sĩ về:

Lợi ích của phương pháp điều trị này?

Tác dụng phụ?

Có những lựa chọn khác hay không? Lợi ích?

Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không điều trị bằng phương pháp này?

Ung thư phổi và các vấn đề bạn không nên bỏ qua - 3

Các phương pháp điều trị bệnh ung thư phổi bao gồm:

Phẫu thuật: cắt một phần hay một thùy phổi. Thậm chí có trường hợp cắt hai thùy hay cả phổi một bên. Thường áp dụng cho bệnh nhân giai đoạn sớm, khối u còn khu trú

Xạ trị: là phương pháp sử dụng các tia bức xạ ion hóa có năng lượng cao để điều trị

Hóa chất: dùng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Đôi khi, bạn sẽ phải truyền hóa chất trước khi phẫu thuật

Điều trị đích: tác động tiêu diệt các tế bào ung thư.

Với ung thư phổi không tế bào nhỏ- giai đoạn sớm, thường người bệnh sẽ được mổ trước, sau đó có thể điều trị hóa chất, xạ trị, hoặc ra viện theo dõi. Giai đoạn muộn hơn, bác sĩ có thể tư vấn để điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau như hóa chất, xạ trị, đích, chăm sóc triệu chứng.

Với ung thư phổi loại tế bào nhỏ - giai đoạn sớm, thường người bệnh sẽ được điều trị bằng hóa chất và tia xạ đồng thời. Giai đoạn muộn hơn, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng hóa chất đơn thuần. Xạ trị chỉ áp dụng trong một số ít các trường hợp như khi khối u chèn ép lồng ngực gây đau, di căn não.

Ngoài ra, ngay khi có bất cứ triệu chứng gì, ví dụ khó thở do tích tụ dịch trong khoang màng phổi, bác sĩ sẽ tư vấn và hỗ trợ người bệnh như dẫn lưu dịch ra bên ngoài.

Bạn sẽ phải làm gì sau khi kết thúc điều trị?

Người bệnh sẽ phải đến khám 3 tháng/lần trong hai năm đầu, 6 tháng/lần trong những năm kế tiếp để kiểm tra xem bệnh có quay trở lại hay không. Các xét nghiệm bao gồm: khám lâm sàng, chụp x quang ngực, cắt lớp vi tính lồng ngực, siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu.

Người bệnh nên xem xét kỹ các dấu hiệu của bệnh đã được liệt kê ở trên. Nếu người bệnh có các triệu chứng đó, có thể bệnh đã quay trở lại. Hãy đến khám lại sớm nhất có thể.

Bạn sẽ được điều trị như thế nào khi bệnh quay lại?

Xạ trị, hóa chất hay điều trị đích, đôi khi có thể phẫu thuật, bác sĩ sẽ đánh giá và tư vấn cho bạn ngay khi phát hiện bệnh tái phát.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm