1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Các bất thường ở vùng bìu trẻ em

(Dân trí) - Thoát vị bẹn - Nang thừng tinh - Tràn dịch màng tinh hoàn là các bất thường hay gặp nhất ở trẻ em có cùng biểu hiện là “bìu to” và 2 bên không cân đối.

Cả 3 bệnh lý trên là biểu hiện khác nhau của cùng một tình trạng “Còn ống phúc tinh mạc” (Persistance du processus péritoneo-vaginal) do ống từ ổ bụng thông với bìu không được đóng lại hoàn toàn trong thời kỳ bào thai.

Biểu hiện của bệnh

Thoát vị bẹn: Bìu to lên, mất cân đối mỗi khi trẻ khóc hoặc chạy nhảy, thường là không đau, sau đó lại có thể tự xẹp đi khi nằm. Khi khám sờ thấy lỗ thoát vị rộng, có thể thấy quai ruột tụt xuống bìu. Siêu âm bìu giúp xác định chẩn đoán. Nếu bìu to, đau kèm theo nôn, bụng chướng…cần nghĩ ngay đến thoát vị bẹn nghẹt, phải đưa trẻ đi cấp cứu tránh biến chứng hoại tử bộ phận thoát vị bằng thủ thuật đẩy khối thoát vị lên ổ bụng hoặc mổ cấp cứu nếu cần.

Cần lưu ý rằng thoát vị cũng gặp ở trẻ gái với biểu hiện là vùng môi lớn phình to lên, mất cân đối so với bên kia, thường xuất hiện khi gắng sức như khi trẻ khóc, chạy nhảy…sau đó tự xẹp đi khi nằm. Thường gặp là tình trạng buồng trứng và vòi trứng thoát vị xuống môi lớn. Nếu nghẹt, trẻ sẽ rất đau, cần mổ cấp cứu để tránh hoại tử.

Tràn dịch màng tinh hoàn: Bìu to thường xuyên, liên tục, mất cân đối ngay từ sau đẻ. Không đau. Sờ có dấu hiệu kẹp màng tinh hoàn. Siêu âm giúp xác định chẩn đoán.

Nang thừng tinh: Bìu to thường xuyên, liên tục, mất cân đối ngay từ sau đẻ, không đau, có thể sờ thấy “Ba hòn”. Siêu âm giúp xác định chẩn đoán.

Các bất thường ở vùng bìu trẻ em - 1

Chỉ định điều trị

Thoát vị bẹn: Bắt buộc phải mổ để cắt và khâu lại bao thoát vị. Cần lên kế hoạch mổ sớm nhất có thể để tránh biến chứng nghẹt gây hoại tử ruột hoặc các tạng thoát vị.

Tràn dịch màng tinh hoàn và nang thừng tinh: Không bao giờ mổ trước 2 tuổi vì đây là khoảng thời gian mà ống phúc tinh mạc còn có khả năng tiếp tục kép lại. Nếu ống này đóng kín thì bệnh sẽ khỏi tự nhiên với tỷ lệ khoảng 65% các trường hợp. Sau 2 tuổi mà bìu vẫn to thì hoàn toàn mất cơ hội tự khỏi, khi đó cần mổ để khâu lại ống phúc tinh mạc và hút hết dịch trong nang hoặc trong màng tinh.

Cách mổ như thế nào?

Tất cả 3 bệnh lý‎ của tình trạng “Còn ống phúc tinh mạc” này đều có phương pháp mổ như nhau: Qua vết rạch nhỏ 1cm tại nếp lằn bẹn bụng cùng bên thoát vị, nơi sẽ có lông che kín sẹo, bác sĩ cắt và khâu lại ống phúc tinh mạc. Với thoát vị bẹn có thể áp dụng phẫu thuật nội soi. Thời gian mổ khoảng 20 phút, nằm viện nửa ngày.

Trong trường hợp mổ cấp cứu thoát vị bẹn nghẹt, ngoài việc cắt và khâu bao thoát vị, bác sĩ phải sử lý‎ các tạng thoát vị tùy theo mức độ nghẹt năng hay nhẹ mà đẩy tạng đó lên ổ bụng hoặc bắt buộc phải cắt bỏ nếu đã hoại tử.

Cần biết rằng, thoát vị bẹn bẩm sinh ở trẻ em hoàn toàn khác với thoát vị bẹn mắc phải ở người lớn về nguyên nhân cũng như cách mổ chữa.

BS Lê Sĩ Trung

Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam