Ca phẫu thuật 5 tiếng cứu bàn chân đứt lìa cho nam thanh niên

Tú Anh

(Dân trí) - Gặp tai nạn lao động, nam bệnh nhân 34 tuổi ở Phú Thọ bị đứt lìa hoàn toàn cổ chân phải. Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Việt Đức cấp cứu, với phần chi thể đứt rời được bảo quản trong thùng đá.

Ngày 25/12, Bệnh viện Việt Đức thông tin về ca bệnh đứt rời chân được cứu sống, các bác sĩ cũng thực hiện nối vi phẫu, nối lại bàn chân bị đứt rời cho người bệnh.

Trước đó, nam bệnh nhân 34 tuổi được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức, sau khi được sơ cứu tại địa phương. Tai nạn xảy ra khi nam bệnh nhân đang cắt cỏ, lưỡi máy cắt cỏ gãy văng trúng cổ chân với tốc độ cao, khiến toàn bộ cổ chân phải bị đứt lìa hoàn toàn.

Sau hơn 4 giờ kể từ thời điểm xảy ra tai nạn, bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên, với phần chi thể đứt rời được bảo quản đúng cách trong thùng đá.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt, Tạo hình và Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, các bác sĩ quyết định thực hiện ca phẫu thuật cấp cứu, nối lại bàn chân đứt lìa cho người bệnh.

PGS Hà đánh giá, ca nối vi phẫu này rất phức tạp, không chỉ vì kỹ thuật nối mà còn do yêu cầu khắt khe về hệ thống hồi sức và thời gian vận chuyển bệnh nhân.

Đứt lìa chi thể thường dẫn đến hoại tử nhanh chóng, nếu không xử lý kịp thời phần chi bị tổn thương sẽ không thể cứu được. Thêm vào đó, nguy cơ cao từ máu độc trong phần chi hoại tử có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân sau nối.

Ca phẫu thuật 5 tiếng cứu bàn chân đứt lìa cho nam thanh niên - 1

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà khám cho người bệnh sau phẫu thuật (Ảnh: T.M).

"Quá trình phẫu thuật gặp nhiều khó khăn do bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá 10 năm, khiến mạch máu bị xơ vữa, dễ co thắt và nhỏ dần. Điều này đòi hỏi đội ngũ y bác sĩ phải phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa như phẫu thuật tạo hình vi phẫu, chấn thương chỉnh hình, gây mê hồi sức", PGS Hà cho biết.

Sau ca mổ kéo dài 5 giờ, các bác sĩ đã tái tạo lại cấu trúc xương, nối mạch máu nuôi sống chân và phục hồi hệ thống thần kinh.

"Đặc biệt, chiều dài chân của bệnh nhân được giữ nguyên, đảm bảo lưu thông máu. Hệ thống thần kinh cũng được nối thành công, giúp phục hồi cảm giác và chức năng vận động cho bệnh nhân", PGS Hà thông tin.

Hiện tại, cổ chân bệnh nhân đã được nuôi sống và đang phục hồi tốt, bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống bình thường trong tương lai.