Cả nước có 971 người hiến giác mạc
(Dân trí) - Sau 17 năm kể từ ca hiến giác mạc đầu tiên, cả nước đã có 971 người đã hiến giác mạc. Hiện cả nước có gần một triệu người mù do các bệnh lý khác nhau, với khoảng 300.000 người có bệnh về giác mạc.
Ngày 16/6, tại xã Hải Phúc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã diễn ra chương trình truyền thông, phát động đăng ký hiến tặng mô tạng, giác mạc do Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam phối hợp với UBND huyện Hải Hậu và Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 tổ chức.
Đây là hoạt động hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ tại Lễ phát động chương trình "Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi" ngày 19/05/2024 vừa qua nhằm tăng thêm số người đăng ký hiến và hiến mới tạng.
Theo thống kê, kể từ ca hiến tặng giác mạc đầu tiên vào tháng 4/2007, đến nay, cả nước đã ghi nhận 971 người hiến giác mạc sau khi qua đời. Trong đó, số người hiến giác mạc tập trung nhiều nhất tại Ninh Bình với 437 người hiến, Nam Định 332 người hiến.
Trong tổng số 332 người hiến giác mạc tại Nam Định, có hơn 280 người ở huyện Hải Hậu hiến tặng giác mạc.
Tại sự kiện, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam chia sẻ, hiến giác mạc là hành động nhân ái, góp phần mang ánh sáng đến cho nhiều người không nhìn thấy ánh sáng.
"Không chỉ hiến giác mạc, mà tôi hi vọng sẽ có thêm nhiều địa phương hưởng ứng đăng ký hiến mô tạng như huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định", PGS Tiến nói.
Tại lễ phát động, rất đông người dân đã đăng ký hiến tặng mô tạng, trong đó có nhiều trường hợp là các thành viên trong cùng gia đình.
Đến sự kiện từ sáng sớm đăng kí hiến giác mạc, hiến mô tạng sau khi qua đời, bà Nguyễn Thị Chắt, 65 tuổi cho biết, bà đăng kí hiến mô tạng, với mong muốn khi qua đời, một phần cơ thể mà mình để lại có thể cứu những người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo.
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện cả nước có gần một triệu người mù do các bệnh lý khác nhau về mắt. Riêng với bệnh về giác mạc, có khoảng 300.000 người, trong đó 150.000 người bị mù hai mắt.
Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, danh sách người đăng ký chờ ghép giác mạc gần 1.000 người và con số này ngày càng tăng.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay mới có 31 trường hợp hiến giác mạc. Nguồn giác mạc quý báu này đã mang lại ánh sáng cho hơn 60 trường hợp.
Cũng sáng nay, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 và Hội thầy thuốc Hải Hậu tại Hà Nội triển khai chương trình khám bệnh, tư vấn phát thuốc miễn phí cho người dân xã Hải Phúc. Đến nay, Hội đã hỗ trợ mổ thay thủy tinh thể miễn phí cho 3.000 người dân huyện Hải Hậu.
PGS Tiến cho biết, hiện người dân có thể đăng kí hiến mô tạng dễ dàng qua hai hình thức sau:
Cách 1: Đến trực tiếp Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia hoặc Bệnh viện Chợ Rẫy.
Cách 2: Đăng ký trực tuyến
Bước 1: Truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia (vnhot.vn).
Bước 2: Chọn "ĐĂNG KÝ HIẾN TẶNG" ở phía bên phải màn hình.
Bước 3: Chọn hình thức đăng ký hiến, bộ phận đăng ký hiến; Điền đầy đủ các thông tin cá nhân; Tải ảnh đại diện; Nhập mã xác nhận sau đó ấn "Đăng ký".
Sau khi đăng ký thành công, hệ thống sẽ tự động gửi đơn đăng ký đã đầy đủ thông tin về địa chỉ email của người đăng ký. Người đăng ký cần in đơn đăng ký, ký tên vào đơn, chuẩn bị thêm CCCD, CMND phô tô và ảnh thẻ (không yêu cầu kích cỡ), sau đó gửi hồ sơ về địa chỉ: Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Việt Đức, số 40 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội; Bệnh viện Chợ Rẫy theo đường bưu điện hoặc trực tiếp.
Việc đăng ký hiến tặng mô tạng sau khi chết não chỉ cần chữ ký của chính cá nhân đăng ký. Việc đăng ký là tự nguyện nên người đăng ký không cần xét nghiệm hay khám sức khỏe vào thời điểm đăng ký.
Sau khi nhận được hồ sơ của người đăng ký, Trung tâm sẽ làm thẻ và gửi về địa chỉ đã đăng ký trong đơn. Việc đăng ký và cấp thẻ là hoàn toàn miễn phí.